Đối với một số hành khách, huyết khối có thể là một nguy cơ nghiêm trọng trong những hành trình dài do phải ngồi yên một chỗ. Dưới đây là những gì bạn cần biết để tự bảo vệ mình.
Huyết khối thường hình thành trong những tĩnh mạch sâu trong cơ thể
Các cục máu đông hình thành trong những tĩnh mạch sâu của cơ thể mà không thể nhìn thấy qua da, thường gặp nhất ở chân nhưng có thể di chuyển qua hệ thống tuần hoàn của cơ thể.
Hệ tuần hoàn trong cơ thể cũng giống như hệ thống ống nước: Các động mạch dẫn máu tới các chi, và các tĩnh mạch đưa máu trở lại tim. Khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, nó có thể bong ra và đi ngược về tim, gây tắc mạch ở phổi hoặc tim, gây nguy hiểm - hoặc thậm chí gây tử vong.
Các yếu tố nguy cơ
Tuy nhiều trường hợp huyết khối có liên quan với bay đường dài, song thật ra nguy cơ huyết khối tăng với bất kỳ kiểu di chuyển đường dài nào. Khi phải ngồi bất động trong 3 - 4 tiếng đồng hồ liền, bạn có thể bị huyết khối do máu có xu hướng ứ đọng ở chân. Những người phải nằm lâu trên giường cũng có nguy cơ tăng huyết khối.
Khi chúng ta phải ngồi lâu - và không vận động cơ chân bằng cách kéo giãn hoặc đi bộ - cơ chế giữ cho máu lưu thông thông suốt sẽ không còn hoạt động bình thường. Cơ bắp giúp đẩy máu trở lại tim và phổi, hỗ trợ cho tuần hoàn tự nhiên của cơ thể. Nhưng khi đang trên một chuyến bay đường dài, bạn dễ bị gò bó và bất động, và đó là yếu tố nguy cơ chính.
Ngoài ra, tình trạng mất nước khi phải di chuyển trên chặng đường dài cũng là một yếu tố nguy cơ khác gây ra cục máu đông. Khi cơ thể không có đủ nước, mạch máu có thể co lại trong khi máu bị cô đặc, làm tăng nguy cơ huyết khối.
Các dấu hiệu và triệu chứng của huyết khối rất đặc hiệu - nếu bị, bạn sẽ biết ngay: Nếu bạn bị đau một chân, thường là ở bắp chân, và nó bắt đầu sưng lên, thì đó là dấu hiệu bạn có thể bị huyết khối. Da nóng khi sờ và đỏ da cũng là triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu.
Nếu bạn thấy một hoặc nhiều dấu hiệu trong số này khi đang trong hành trình, thì không nhất thiết phải vội vã rời khỏi máy bay, nhưng càng sớm được kiểm tra - thường là bằng siêu âm - thì bạn sẽ càng sớm được chẩn đoán và điều trị để tránh các biến chứng gây tử vong. Những người bị huyết khối thường uống thuốc chống đông máu trong vòng từ 3-6 tháng để ngăn ngừa huyết khối phát triển và ngăn huyết khối mới hình thành. Đôi khi, cần dùng thuốc "tiêu huyết khối” để phá vỡ cục máu đông.
Trong khi đau và sưng ở chân là những triệu chứng khó chịu, thì sự di chuyển của cục máu đông mới là vấn đề đáng quan tâm nhất.
Tắc mạch phổi sẽ xảy ra khi một mạch máu trong phổi bị tắc nghẽn bởi cục máu đông. Các triệu chứng tắc mạch phổi rất nghiêm trọng, và bao gồm đau ngực, thở dốc, và khó thở. Nếu gặp những triệu chứng này, hãy tìm sự giúp đỡ ngay lập tức. Tắc mạch phổi cũng được điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối và thuốc chống đông. Nhưng nếu cục máu đông rất lớn và đe dọa tính mạng, thì có thể cần phẫu thuật.
Có nhiều cách để ngăn ngừa huyết khối
Theo Bệnh viện Mayo, các yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử gia đình bị huyết khối, mang thai, dùng thuốc tránh thai, hút thuốc lá, thừa cân hoặc béo phì, bị bệnh viêm ruột, và trên 60 tuổi.
Nếu bạn có một loạt các yếu tố nguy cơ - và sẽ phải bất động trong một thời gian dài - thì cần thực hiện các biện pháp để ngăn chặn cục máu đông.
Phòng ngừa rất đơn giản: Trong khi đi đường dài, hãy cố gắng kéo duỗi chân và đi lại sau mỗi vài giờ. Nếu bạn đang trên một chuyến bay dài, tận dụng những lúc "đèn báo thắt dây an toàn đã tắt” và đi đi lại lại trên lối đi để châ được vận động. Nếu không thể đứng dậy, hãy cố gắng cử động ít nhất là vùng cẳng chân - tất nhiên là đừng đá vào ghế đằng trước. Bệnh viện Mayo gợi ý nâng và hạ gót chân trong khi giữ các ngón chân trên sàn, sau đó làm ngược lại - nâng và hạ các ngón chân trong khi giữ nguyên gót chân.
Một điều nữa cần lwyu ý là nếu bạn có một loạt các yếu tố nguy cơ huyết khối, thì nên tránh xa các đồ uống gây mất nước như rượu và đồ uống chứa cafein trong khi đi xa, và nên uống đủ nước. Tất y khoa (tất áp lực) cũng rất hữu ích khi phải đi đường xa, vì chúng giúp máu lưu thông.