LCĐT - Ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định như vậy tại buổi họp báo thông tin nguyên nhân và chủ thể phát sinh ra chất thải làm cây cối, hoa màu bị cháy, táp lá và dứa thối tại khu vực xã Bản Lầu, diễn ra chiều 30/7.
Ông Vương Trinh Quốc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, người phát ngôn của tỉnh chủ trì họp báo. |
Theo cơ quan chức năng, căn cứ đưa ra kết luận trên đó là: Dự án mở rộng Nhà máy Luyện kim màu Lào Cai tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương của Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh chưa đủ điều kiện đi vào hoạt động, toàn bộ công trình xử lý môi trường của dự án chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa được kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa vào sử dụng.
Trong giai đoạn từ tháng 6/2017 đến tháng 11/2017 và tháng 1/2018, mặc dù UBND tỉnh không cho sản xuất, nhưng công ty vẫn hoạt động liên tục với khối tượng tinh quặng đồng đầu vào của tháng 11/2017 là 87 tấn/ngày; tháng 1/2018 là 116,2 tấn/ngày, làm phát sinh ra lượng khí thải SO2 vượt quá khả năng xử lý của hệ thống xử lý khí thải bằng sữa vôi. Quá trình sản xuất không có sự quan trắc, giám sát về môi trường theo quy định để kiểm soát khí thải phát tán ra môi trường.
Ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thông tin nguyên nhân làm dứa thối tại Bản Lầu. |
Theo khảo sát thực tế, phạm vi cây cối, hoa màu và dứa thối, vị trí các mẫu có các chỉ số đồng vượt quá ngưỡng cho phép đều phân phối gần nhà máy và dọc theo hướng gió chủ đạo từ nhà máy kéo dài theo hướng Tây và Tây Bắc. Thời điểm cây cối, hoa màu bị cháy, táp lá và dứa chết, thối quả trùng với thời điểm nhà máy sản xuất với khối lượng tinh quặng vượt mức tối đa 77,4 tấn/ngày. Từ khi nhà máy dừng hoạt động đến nay cây cối, hoa mùa và cây dứa đã hồi phục, sinh trưởng và phát triển bình thường.
Trong khu vực xã Bản Lầu và vùng lân cận chỉ có Nhà máy Luyện kim màu Lào Cai của Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh là cơ sở sản xuất phát sinh ra các chất thải, tạo thành các hóa chất axít sulfuric và đồng, khí SO2.
Phạm vi, diện phân bố và tính chất của hiện tượng cây cối, hoa màu bị cháy, táp lá, dứa bị thối ở thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018 hoàn toàn giống với sự việc xảy ra vào tháng 3/2017 mà Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh đã nhận trách nhiệm và chấp hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Phóng viên Báo Lào Cai đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc này. |
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc vì sao chậm công bố thông tin chủ thể nguyên nhân làm cây cối, hoa màu bị cháy, táp lá và dứa thối tại Bản Lầu, ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong quá trình xác định nguyên nhân, doanh nghiệp chưa hợp tác tốt với cơ quan chức năng, nên ngành chức năng mất rất nhiều thời gian để thu thập chứng cớ, xác minh. Về sự tồn tại của nhà máy tại khu vực này sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, ông Lê Ngọc Dương cho biết, theo chủ trương của tỉnh sẽ di chuyển nhà máy khỏi khu vực này và dù di chuyển đến vị trí nào thì nhà máy vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất không tác động xấu đến môi trường.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến vụ việc này, ông Vương Trinh Quốc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, người phát ngôn của tỉnh khẳng định, trong quá trình hoạt động của nhà máy, cơ quan chức năng đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời sai phạm của nhà máy. Tới đây, theo văn bản chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành sẽ căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình tiếp tục xử lý vi phạm của nhà máy.
Ông Vương Trinh Quốc cho biết, căn cứ kết luận của cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tiến hành lập hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với đơn vị vi phạm theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.