LCĐT - Ở Trường THCS Tả Ngài Chồ (Mường Khương) có một người thầy đặc biệt, học sinh thường gọi ông bằng cái tên thân thiết “Thầy Tráng đàn nhị”.
“Thầy Tráng” là ông Giàng Seo Tráng. Năm nay, ông đã gần ở tuổi thất thập, mái tóc hoa râm, gương mặt đầy nếp hằn của thời gian, hiền từ, nhân hậu. Môn học mà ông dạy học sinh ở đây là đàn nhị, loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Mông, cũng là nhạc cụ ông chơi giỏi nhất.
Từ thưở bé, ông Tráng đã được bố dạy chơi các nhạc cụ của dân tộc Mông như đàn nhị, kèn lá, khèn, sáo... và trở thành một trong những người chơi hay nhất bản. Lễ hội Gầu tào truyền thống của người Mông ở Tả Ngài Chồ hằng năm, không năm nào thiếu tiếng đàn của ông. Đau đáu trước sự mai một của văn hóa truyền thống, lớp trẻ ở Tả Ngài Chồ rất ít người còn biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc, ông miệt mài chỉ dạy cho con cháu cách chơi, cách làm các loại đàn, khèn truyền thống.
![]() |
Ông Giàng Seo Tráng dạy học sinh chơi nhạc. |
Ở Trường THCS Tả Ngài Chồ, 98% học sinh là người dân tộc Mông. Cách đây 1 năm, khi Hiệu trưởng Trần Thu Hằng ngỏ ý muốn mời ông Tráng đến dạy đàn nhị cho học sinh, ông không ngần ngại, lập tức nhận lời. Câu lạc bộ đàn nhị Trường THCS Tả Ngài Chồ gồm 20 thành viên, chủ yếu học sinh lớp 6, lớp 7. Ông Tráng đã tự tay làm tặng nhà trường 10 chiếc đàn để các em học tập. Nhằm khơi nguồn cảm hứng cho học trò, nhà trường bố trí lớp học chính là phòng truyền thống, nơi có không gian đậm đà sắc màu văn hóa dân tộc Mông với thổ cẩm, khèn Mông, những bộ váy áo, những túm ngô vàng óng... Mỗi tiết học không đơn thuần là dạy và học, mà còn là sự kết nối giữa hai thế hệ, tâm huyết trao truyền đầy thiêng liêng, cao đẹp.
Hằng tuần, ông Tráng lại đi vài cây số từ nhà đến trường, có mặt đúng giờ học ngoại khóa. Tiếng đàn nhị trầm bổng vang lên. Người thầy đã già, đôi bàn tay đầy vết nhăn, sạm nắng nhưng khi cầm nhị vẫn mềm mại để những âm thanh trầm bổng, du dương vang vọng. Ông Tráng dạy các em cách khéo léo tạo ra âm thanh bằng cách cử nhị, dây đàn và dùng đầu gối bịt một phần ở miệng bát nhị. Ông tỉ mỉ chỉ cho từng em cách sử dụng đàn, để tay phải cầm cung vĩ của các em có thể điều khiển lực chạm và kéo, tạo ra âm thanh mềm mại, bay bổng hay mạnh mẽ, dứt khoát; để tay trái bấm ngón tay vào dây đàn, vuốt dây sao cho âm thanh uyển chuyển, luyến láy hay thổn thức... theo từng nội dung của những bài dân ca truyền thống người Mông ca ngợi quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu đôi lứa. Vậy là vừa học đàn, các em vừa biết thêm những bài hát, bài vè, câu tục ngữ, gìn giữ cả tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Ông Giàng Seo Tráng tâm sự: Còn sức khỏe, còn cầm đàn, tôi còn truyền dạy cho con cháu, để văn hóa dân tộc Mông không bị mai một, để lớp trẻ biết trân trọng, tự hào về tinh hoa văn hóa dân tộc mình.
Dường như trong mỗi học sinh người Mông, việc chơi đàn nhị, chơi khèn, thêu thổ cẩm là năng khiếu bẩm sinh, tiềm ẩn. Bởi vậy, chỉ sau vài tháng, học sinh trong câu lạc bộ đàn nhị đã có thể chơi đàn, cùng người thầy của mình biểu diễn tại các chương trình ngoại khóa của nhà trường, ngày hội văn hóa các dân tộc của xã Tả Ngài Chồ...
Trường THCS Tả Ngài Chồ trở thành trường điển hình của huyện Mường Khương về việc giáo dục học sinh giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Cô giáo Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Lồng ghép dạy văn hóa truyền thống trong nhà trường đã góp phần không nhỏ trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao còn nhiều khó khăn như Tả Ngài Chồ. Nhờ cách làm này, tỷ lệ chuyên cần của trường luôn đạt trên 95%. Các em hứng thú với tiết học ngoại khóa, thêm yêu trường lớp, yêu văn hóa truyền thống.
Sự cống hiến của ông Tráng hôm nay có ý nghĩa rất lớn trong mai sau. Khi ngọn lửa tình yêu văn hóa truyền thống mà ông và các thầy cô giáo thắp lên sẽ được thế hệ con, cháu - những học trò của ông giữ gìn, kế thừa và phát huy.