Chỉ còn gần nửa tháng nữa là đến kỳ hạn Ủy ban châu Âu (EC) sẽ kiểm tra quá trình thực hiện các tiêu chuẩn chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp tại Việt Nam. Trong suốt 1 năm qua, các địa phương, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ngư dân Việt Nam rốt ráo thực hiện các quy định này của EC.
Tàu cá trên vùng biển Hà Tiên (Kiên Giang). |
Thay đổi nhận thức
Hiểu được tầm quan trọng của việc gỡ bỏ "thẻ vàng" đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), kể từ khi bắt đầu triển khai quy định chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, nhiều ngư dân đã đồng hành cùng doanh nghiệp và chính quyền địa phương tôn trọng quy định và thực hiện các hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Qua khảo sát hoạt động chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp tại các tỉnh khu vực phía Nam, ngư dân đều chung lòng, mong muốn gỡ bỏ "thẻ vàng" của EC. Nhiều địa phương như Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị hành trình giám sát vị trí, báo cáo cụ thể để dễ dàng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu khi tàu cập cảng.
Thành phố Hà Tiên là khu vực hoạt động nghề cá trọng điểm của tỉnh Kiên Giang, có biên giới trên biển tiếp giáp với Thái Lan và Campuchia. Trong gần 1 năm thực hiện chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, Hà Tiên đã khắc phục và chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp.
Theo ông Hoàng Tư Kiên, ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải, Hà Tiên, thông qua các buổi trao đổi, nói chuyện với ngư dân, Đồn biên phòng Tiên Hải thường xuyên tuyên truyền, phát tờ rơi cho ngư dân hiểu những yêu cầu trong sản xuất hiện nay. Các ngư dân tại Hà Tiên đều cam kết không vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương phát triển sản xuất và kinh tế của nhà nước. Ngư dân đã hiểu đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, cũng như việc bị các nước tẩy chay sản phẩm của Việt Nam.
Tại Cà Mau, hiện có khoảng 1.500/4.700 tàu cá nằm trong diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Lộ trình lắp đặt được chia ra 2 giai đoạn và đến hết năm 2018, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải thực hiện lắp đặt thiết bị này. Đến nay đã có 70 tàu thực hiện lắp đặt thiết bị; trong đó, tập trung chủ yếu tại thủ phủ đánh bắt là huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Ông Đoàn Quốc Lượm, ngụ tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết, trước đây, vì tuổi cao nên ông không ra khơi cùng tàu và luôn ở nhà trong tình trạng thấp thỏm lo tàu "lỡ" xâm phạm lãnh hải của nước khác sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Kể từ khi thực hiện quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ông có thể tương tác với tài công bằng điện thoại, hàng ngày giám sát được vị trí 2 con tàu của gia đình đang đánh bắt xa khơi. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã giúp các chủ tàu quản lý được tàu cá, vừa phòng chống tai nạn trên biển khi có thiên tai. Trong trường hợp gặp sự cố, tài công, chủ tàu và cơ quan chức năng có thể liên lạc với nhau, hỗ trợ đưa tàu vào bờ an toàn.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa), thị trường châu Âu là thị trường rất quan trọng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản. Dù họ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm khắt khe, nhưng bù lại họ sẵn sàng trả chi phí cao cho từng sản phẩm hải sản được lưu thông tại đây.
Do đó, khi thực hiện nghiêm các yêu cầu của EC là một cơ hội lớn khẳng định uy tín ngành hải sản Việt Nam tại thị trường này nói riêng và toàn thế giới nói chung. Khi sản phẩm hải sản của Việt Nam bước vào châu Âu một cách hợp pháp và đúng tiêu chuẩn, cơ hội mở rộng thị trường cho ngành chế biến, xuất khẩu hải sản của Việt Nam ra các quốc gia khác là rất lớn.
Chung tay tháo gỡ vướng mắc
Mặc dù các địa phương đã tích cực tuyên truyền thực hiện quy định về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, ngư dân cũng nỗ lực lắp đặt hệ thống giám sát hành trình để quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu đánh bắt nhưng một số nơi vẫn gặp trở ngại.
Theo ông Phan Văn Giàu, ngư dân tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho mỗi tàu cá thấp nhất là 20 triệu đồng/máy/tàu trong khi nghề đi biển gần đây nhiều khó khăn. Vì vậy, những chủ sở hữu từ 2 đến 3 tàu khó xoay xở để đầu tư thiết bị giám sát hành trình đồng loạt. Nhiều ngư dân tại thị trấn Sông Đốc nói riêng và chủ tàu cá cả nước nói chung rất cần sự hỗ trợ này từ phía chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, quá trình sử dụng máy giám sát hành trình có nhiều thao tác phức tạp, âm thanh lại nhỏ. Khi ra khơi, gió lớn ồn ào sẽ không nghe được máy vận hành, chưa kể hao tốn nhiên liệu chạy ắc quy cho máy khá lớn. Hơn nữa, việc đặt máy chủ quá xa so với nơi trình báo cũng gây khó khăn cho ngư dân và nhà quản lý.
Ông Tôn Ân, ngư dân tại ấp Phước Thiện, xã Phước tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thiết bị giám sát hành trình Movimar được đặt máy chủ tại Hà Nội. Vì vậy, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu muốn xác định chuyến đi biển của ngư dân phải cập nhật thông tin từ Tổng cục Thủy sản. Điều này gây bất tiện và kéo dài thời gian hoàn tất các thủ tục cho tàu cá đánh bắt xa bờ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu Trần Văn Cường cho biết, cơ chế pháp luật hướng dẫn triển khai lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình chưa hoàn thiện đã hạn chế xử lý đối với các tàu cá không gắn, hoặc gắn nhưng không mở thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động. Hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa ban hành rõ quy chuẩn, tiêu chuẩn của thiết bị giám sát hành trình phù hợp, thống nhất mẫu trên cả nước. Các thiết bị do ngư dân đầu tư lắp đặt chỉ chủ tàu theo dõi hoạt động trên biển của tàu mình, còn các cơ quan chức năng không thể kiểm tra, giám sát, do không đấu nối vào hệ thống giám sát chung.
Các địa phương như Kiên Giang, Cà Mau nhận định, tàu có chiều dài 24m trở lên có nguy cơ vi phạm đánh bắt bất hợp pháp cao nên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 31/12/2018 mới được ra khơi.
Cụ thể, chính quyền các tỉnh phối hợp với 3 doanh nghiệp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Unipon (Tây Ban Nha) để hỗ trợ ngư dân sử dụng thử thiết bị. Sau khi đấu nối với máy chủ tại Hà Nội thành công, ngư dân được hỗ trợ lắp đặt bằng phương thức trả dần, trả chậm, kinh phí lắp đặt dao động từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng mỗi máy.
Theo ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để có thể tháo gỡ thẻ vàng IUU, cùng với việc khắc phục các bất cập hiện nay trong khâu kỹ thuật, các thành phần tham gia hoạt động nghề cá phải chấp hành đúng Luật Thủy sản 2017. Có như vậy, mới tạo thành thói quen sản xuất, kinh doanh chấp hành luật pháp, có trách nhiệm với tương lai của con người.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Trưởng Ban điều hành chương trình chống khai thác bất hợp pháp IUU nhận xét, bấy lâu nay, ngư dân, địa phương, doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế từ khai thác biển. Tuy nhiên hiện nay, "thẻ vàng" IUU giúp nghề cá lập lại trật tự, tạo sự cân bằng giữa sinh thái biển và kinh tế, các thành phần tham gia phải hoạt động theo sự quản lý chặt chẽ của Luật Thủy sản, cũng như quy định của quốc tế.