Nằm cách Thủ đô chừng 40 km, thôn Giang, xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) suốt hàng trăm năm nay có một hệ thống kiêng cữ quy định hết sức kỳ lạ. Chẳng hạn như, khi ra đường nếu thấy con chim gì kêu ở hướng nào thì tiếp tục đi, nếu kêu ở hướng nào thì quay lui không đi nữa. Họ đặt ra hương ước được coi là độc nhất vô nhị là “nói không” với các con vật màu trắng, từ chăn nuôi cho đến giết mổ. Hương ước này đã duy trì hàng trăm năm, gắn cùng với đó là "mối tình cọ - si" chung thủy ở ngôi đình thiêng thờ vua Lý Nam Đế.
“Mối tình” vượt thời gian
Thôn Giang nằm phía tả đê sông Đáy, cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 40km, phong cảnh và người dân nơi đây vẫn giữ được những nét độc đáo riêng của một làng quê Việt. Tìm về ngôi làng giàu lòng mến khách này, chúng tôi được người dân kể cho nghe về ngôi đình thiêng thờ vua Lý Nam Đế, mùa nước lũ không bao giờ bị ngập lụt và câu chuyện hương ước, cây cọ mọc trên đỉnh cây si suốt 500 năm qua.
Cây si, cọ là chứng tích gắn với lịch sử của làng. |
Từ bao đời nay, cây si và cọ đã là niềm tự hào của người dân xã Viên Nội nói riêng và người dân huyện Ứng Hòa nói chung. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, khi sinh ra đã thấy hai cây này ngự trị ở trong đình, lớn lên hỏi ông bà, bố mẹ cũng chỉ được câu trả lời "bao đời nay đã thế".
Người dân thôn Giang bảo rằng cây si và cây cọ “ở” bên nhau được lâu và lạ kỳ như vậy là bởi chúng được “nuôi dưỡng” bởi ngôi đình thiêng và đã từ lâu mối tình cọ - si còn là biểu tượng, nét văn hóa cho sự thủy chung, son sắt và mến khách của người dân trong thôn.
Ông Hồ Đức Ngân (92 tuổi) hồ hởi chia sẻ về chuyện cây cọ, si ở làng: "Ngày trước, khi tôi còn nhỏ thường ra sân đình chơi, đã thấy cây si và cây cọ quấn quýt bên nhau và không thay đổi nhiều so với trước đây. Ước tính cây cọ và cây si đã trên 500 năm tuổi.
Nếu thoạt nhìn, người ta sẽ bảo cây cọ mọc trên đỉnh cây si. Xung quanh việc cọ mọc trước hay si mọc trước có nhiều ý kiến gây tranh cãi. Nhưng thực ra cây si mọc nhờ vào cây cọ rồi dần dần thân và rễ cây si quấn quanh cây cọ lên đến gần ngọn.
Nhiều cụ cao tuổi trong làng bảo, hồi còn bé đã thấy thân cây cọ lộ ra ở dưới mặt đất, điều này cho thấy cây cọ có trước chứ không phải mọc trên đỉnh cây si như nhiều người nói".
Theo các cụ cao niên thôn Giang và trong thần phả có ghi, ngôi đình ngày trước được lợp hoàn toàn bằng lá cọ. Sau này được làm lại bằng gỗ, chắc chắn và rộng rãi hơn.
Đến năm 1938, trong làng có ông Chánh tổng Bát giàu có nhất vùng đã công đức tiền của xây dựng lại ngôi đình bằng bê tông chắc chắn nhưng vẫn giữ nguyên đường nét tinh xảo trước đó.
Cụ Lộ Khắc Lập, thủ từ đình thôn Giang thờ vua Lý Nam Đế cho biết: "Hai cây cọ - si song song cùng phát triển và trải qua biết bao thăng trầm, biến cố cùng lịch sử dân tộc. Cách đây 2 tháng mặc dù cây cọ đã chết, chỉ còn cây xi vẫn xanh tốt, bao phủ kín cây cọ, tuy vậy người dân trong làng vẫn coi hình ảnh cây si và cây cọ như biểu tượng của sự thủy chung, son sắt, tình yêu con người, thiên nhiên để giáo dục con cháu.”
Gặp điềm dữ khi nuôi các con vật màu trắng
Theo cụ thủ từ Lộ Khắc Lập, đình thôn Giang được vua ban 10 đạo sắc, nhưng vẫn có một đạo sắc được thờ chung với đình thôn Trung, làng kế bên. Điển tích ngày xưa truyền rằng, vào một ngày trời yên biển lặng, có một đạo sắc trôi theo dòng sông Đáy.
Đạo sắc trôi đến đoạn sông giữa thôn Giang và thôn Trung. Hai làng tranh nhau muốn nhận đạo sắc về thờ. Hai làng kiện nhau lên quan trên rồi đến tai nhà vua. Nhà vua mới phân xử "nhị thôn đồng phụng sự" nghĩa là mỗi làng lần lượt thờ đạo sắc một năm.
Ngôi đình Giang thờ vua Lý Nam Đế cũng bởi nơi đây ghi dấu bước chân ngựa của đức vua qua làng. Ngày đó Lý Bí đại vương (tức vua Lý Nam Đế sau này) dẫn quân về tập trận ở xã bên. Cũng chính bởi vậy, theo nhiều cụ cao niên trong làng nơi đây chính là nguồn xuất phát của câu đồng dao mà trẻ con thường hay đọc: “Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn”.
Trước những sự linh thiêng của đình làng, hàng trăm năm trôi qua, người dân thôn Giang đã đặt ra hương ước tuyệt đối không ai nuôi các con vật màu trắng như trâu, ngựa, lợn, gà, chó mèo trắng...
Căn nguyên của câu chuyện “đặc biệt” bắt nguồn từ việc, ngày trước có một viên quan lớn đi ngựa trắng qua đền Bạch Lang, con ngựa trắng hí lên mấy tiếng rồi tự nhiên qụy xuống chết. Bởi vậy, không ai trong làng nuôi con vật lông trắng để tránh xúc phạm tên húy của Ngài và thiệt hại về kinh tế.
Ông Hồ Đức Ngân kể: "Ngày còn hợp tác xã, chuyện xảy ra với gia đình ông T, trong lúc gia đình ông phơi thóc tại sân đình, cậu con trai nghịch ngợm đưa thóc vào miệng pho tượng ông hộ pháp và bảo "ông cắn chắt đi".
Cả ngày hôm đó anh này vẫn bình thường không có điều gì xảy ra, nhưng sau một đêm ngủ dậy thì bị câm. Gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi đều không rõ bệnh. Ông Thi mới nhớ ra buổi phơi thóc ngoài đình, gia đình làm lễ tạ mong Ngài tha tội cho con trẻ.
Quả nhiên lời nguyện cầu của ông được Ngài tha thứ. Sáng hôm sau ngủ dậy, con trai ông nói được như bình thường. Điều đáng buồn là sau này anh con trai của ông T nhập ngũ rồi hy sinh ở chiến trường miền Nam".
Chẳng những vậy, trong ký ức của người dân ở làng có những gia đình vốn không tin vào hương ước vẫn nuôi những con mèo trắng. Tuyệt nhiên những vật nuôi đó chỉ “ăn mãi không lớn” rồi chẳng mấy cũng ốm bệnh mà chết.
Ông Bùi Văn Soạn (83 tuổi) ngụ tại thôn Giang chia sẻ: Ngày trước, có một gia đình vốn không tin vào câu chuyện kỵ con vật màu trắng, nhất quyết nuôi mèo trắng nhưng 3 lần nuôi mèo đều chết cả 3, gia đình đó cũng gặp những chuyện không may, liên tục bệnh tật, ốm yếu. Rồi có gia đình trong lần giết thịt con mèo trắng, sau đó cô con gái tự nhiên bị bệnh thần kinh, đi lang thang khắp làng nói năng, lảm nhảm một mình.
Mấy tháng sau, gia đình đưa cháu bé đi xem bói và thầy bói phán do gia đình "xúc phạm" làm các Ngài trong đình tức giận nên bị các Ngài "hành", phải mang lễ vật đến đình thôn Giang chuộc tội ngay. Sau lần kêu cầu các Ngài tạ lỗi, tự nhiên cháu bé trở lại ổn định bình thường".
Cứ như vậy, các câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác, tới một cậu bé 7 tuổi trong làng khi được hỏi về việc vật nuôi màu trắng cũng vanh vách trả lời “không nhà ai dám nuôi”.
Điều mà ít ai biết rằng trong những năm thiên tai, nước lũ, các vùng xung quanh nước ngập lụt trắng trời, nước dâng cao vút, nhưng riêng hậu cung ngôi đình nước không bao giờ dâng tới. Một phần nền hậu cung cao nhưng nhiều người bảo như có phép mầu kỳ lạ nào đó không thể giải thích được.
“Đình thôn Giang nằm cạnh con sông Đáy nên vào những mùa nước lớn, lụt lội nước dâng lên tận sân đình. Nhưng riêng phần hậu cung nước không bao giờ có thể chạm tới.
Nghe các cụ bảo ngôi đình thiêng lắm, nước lũ tràn vào các vùng khác, nhưng riêng khu vực đình Giang thì không. Nhiều người còn đồn đoán Ngài thiêng nên nước dâng đến đâu hậu cung lại dâng cao lên bấy nhiêu, bởi vậy mà Ngài không bao giờ bị ngập nước”, ông Kim Bùi Soạn chia sẻ.