Điều nghịch lý là ở chỗ, chúng ta xuất cao su thiên nhiên làm nguyên liệu, nhưng không phải nhập về những thành phẩm từ cao su do nước ngoài sản xuất, mà nhập về cao su tổng hợp, lại cũng là cao su nguyên liệu...
Ngẫm ra, đất nước mình thật lắm chuyện ngược đời. Bài toán về nghịch lý điện-than (là đất nước của than đá, mỗi năm xuất khẩu hàng chục triệu tấn than mà các nhà máy nhiệt điện than lại thiếu than để chạy máy, có nguy cơ dừng hoạt động. Xuất khẩu than giá rẻ, nhưng lại nhập than giá đắt) chưa có cách gì giải được, thì mới đây, lại thêm một nghịch lý nữa.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tuy là nước sản xuất cao su đứng thứ 3 thế giới, mỗi năm xuất khẩu hơn 1 triệu tấn cao su thiên nhiên, nhưng chỉ riêng tháng 11/2018, chúng ta đã phải nhập khẩu 46.000 tấn cao su, nâng tổng khối lượng cao su nhập khẩu trong 11 tháng lên con số 543.000 tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, tăng 8,8% về số lượng và 1% về giá trị.
Điều nghịch lý là ở chỗ, chúng ta xuất cao su thiên nhiên làm nguyên liệu, nhưng không phải nhập về những thành phẩm từ cao su do nước ngoài sản xuất, mà nhập về cao su tổng hợp, lại cũng là cao su nguyên liệu. Không chỉ những thứ cao su nguyên liệu cao cấp như CVR20, RSS3 để làm vỏ xe, mà ngay cả cao su nguyên liệu cho những ngành hàng gia dụng, thậm chí để sản xuất cả giầy dép, chúng ta cũng phải nhập. Vì sao thế?
Đại diện Hiệp hội cao su Việt Nam thừa nhận: Sở dỹ chúng ta phải nhập khẩu cao su nguyên liệu, là vì cao su nguyên liệu sản xuất trong nước chất lượng không cao. Chỉ khoảng 20% sản lượng cao su trong nước được cung cấp cho các cơ sở dệt găng tay, sợi thun...
Chất lượng cao su nguyên liệu của ta kém vì nguyên nhân gì? do cao su thiên nhiên của ta kém? Không, chắc chắn không! Chất lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xưa nay vẫn được quốc tế đánh giá cao. Vậy thì chỉ còn khâu chế biến từ cao su thiên nhiên thành cao su tổng hợp, trở thành nguyên liệu cho các ngành sản xuất là yếu kém, kỹ thuật lạc hậu, thế giới quay lưng, nên đành xuất thô.
Xuất cao su thô sang nước ngoài, giá sẽ rất rẻ. Ngược lại, nhập cao su tổng hợp làm nguyên liệu từ nước ngoài về, chắc chắn là giá rất cao. Việc này đã khiến chúng ta mất hàng núi USD. Căn cứ trên những nhận định của Hiệp hội cao su Việt Nam vừa dẫn ở trên, thì nhu cầu về cao su nguyên liệu trong nước hàng năm rất lớn.
Vậy, phải hóa giải nghịch lý trên như thế nào? Có lẽ con đường duy nhất là đầu tư xây dựng những nhà máy chế biến từ cao su thiên nhiên thành cao su nguyên liệu có thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, để sản phẩm của ta đạt chuẩn quốc tế và có giá thành thấp. Làm thế, một mặt, chúng ta có điều kiện cung cấp cho các cơ sở trong nước thứ cao su nguyên liệu đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, đỡ phải mất ngoại tệ, mặt khác, xuất ngược ra nước ngoài, mang ngoại tệ về cho đất nước.
Làm như vậy, chúng ta sẽ nâng cao giá trị của cao su thiên nhiên trong nước, không đến nỗi mỗi lần Trung Quốc ngoảnh mặt là giá cao su thiên nhiên lại rớt thê thảm.
Chỉ có làm thế, thì ngành sản xuất cao su mới bền vững được.