Biến đổi khí hậu đang gây ra những thách thức to lớn với đời sống con người nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Những năm gần đây, nhiều dấu hiệu của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh xuất hiện rõ rệt hơn, đòi hỏi ngành nông nghiệp địa phương phải có những biện pháp ứng phó hiệu quả nhất.
Hậu quả to lớn
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 năm trở lại đây, tại Lào Cai đã xuất hiện những hiện tượng thời tiết hết sức cực đoan, phức tạp và khó lường. Điển hình nhất là hiện tượng mưa tuyết, băng giá, khô hạn, lũ quét, mưa đá… xảy ra với mật độ, tần suất ngày một cao và nghiêm trọng. Hiện tượng mưa tuyết kéo dài hơn 1 tháng (cuối năm 2013, đầu năm 2014) làm chết gần 700 con trâu, bò, vùi lấp hơn 100 ha su su, 100 ha rau màu tại Sa Pa, Bát Xát là ví dụ hết sức cụ thể. Trước đó, việc xuất hiện mưa đá với sức tàn phá kỉ lục do những viên đá có đường kính tới 15 cm tại huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà trong năm 2013 khiến hơn 1.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Những trận lũ quét thì xảy ra thường xuyên hơn, cụ thể năm 2012 xảy ra tại xã Nậm Lúc (Bắc Hà), 2013 tại xã Bản Khoang (Sa Pa), 2014 tại Lương Sơn, Xuân Hòa (Bảo Yên)… Chỉ tính riêng trong năm 2014, lũ quét, lũ ống đã làm mất trắng gần 1.000 ha lúa, gần 500 ha ngô. Cũng trong năm này, đợt nắng nóng, hạn hán lịch sử đã khiến 13.500 ha lúa, ngô giảm năng suất, 458 ha rừng trồng bị chết toàn bộ, hơn 1.300 ha rừng mới trồng bị thiệt hại tỷ lệ trên 50%.
Nông dân trong tỉnh chủ động sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi. |
Tài liệu quan trắc khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai cho thấy: Tổng lượng mưa năm 2014 bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 5%, tại các huyện vùng cao như Mường Khương, Si Ma Cai thì con số này là 15% - 23%. Lượng mưa trung bình giảm, nhiệt độ bình quân hằng năm tăng đã kéo theo nguy cơ khô hạn, thiếu nước sản xuất nông nghiệp và sa mạc hóa ở một số nơi tăng cao. Hiện tượng thời tiết bất lợi với chu kì thường xuyên và quy mô lớn đã kéo theo tình hình dịch bệnh phát triển trên cây trồng, vật nuôi phức tạp hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Với nền sản xuất còn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên thì biến đổi khí hậu vẫn là thách thức lớn với ngành nông nghiệp của tỉnh.
Chủ động ứng phó
Nhận thức về tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng chiến lược hành động để chủ động thích ứng bằng các việc cụ thể như phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính. Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Nguyên nhân của biến đổi khí hậu là do lượng khí nhà kính (CO2) tăng, trong khi diện tích rừng sụt giảm khiến việc hấp thụ CO2 thiếu cân bằng. Để ứng phó với biến đổi khí hậu thì một trong những biện pháp bền vững là tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng”. Cùng với phát triển rừng, ngành nông nghiệp đã xây dựng các phương án giảm nhẹ thiên tai, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với môi trường sản xuất mới. Trước mỗi mùa vụ, ngành trồng trọt công bố danh mục về cơ cấu giống, nêu rõ ưu, nhược điểm, thời vụ của từng loại cây để bà con lựa chọn loại phù hợp nhất. Những giống ngô, lúa chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt cũng được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đáp ứng trên thị trường tỉnh, trong đó địa phương có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ rất rõ ràng.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh liên tục triển khai những dự án công nghệ cao, mô hình mới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây chuối, cây chè; Dự án nông nghiệp công nghệ cao VinEco - Sa Pa, trong đó có vai trò ứng phó tích cực với dấu hiệu thời tiết bất thường.
Vượt “chướng ngại”
Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp nhưng hiện các trang, thiết bị phục vụ cho việc dự báo, ứng cứu của tỉnh còn khá nghèo nàn. Việc dự báo còn hạn chế, chưa dự báo được địa điểm cụ thể, mức độ nguy hại, tần suất, để có thể chủ động phòng ngừa. Ngoài ra, trình độ học vấn của một bộ phận người dân còn thấp, công tác tuyên truyền về trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn, người dân ở một số nơi chưa thực sự yên tâm với trồng rừng.
Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cũng như tuyên truyền bà con ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hình thức tưới tiết kiệm nước SRI (tưới nước luân phiên trong tổ, nhóm sản xuất) được bà con tuyên truyền cho nhau và áp dụng rộng rãi. Nhận thức về vai trò của rừng với đời sống cũng được nâng lên đáng kể. Anh Ma Seo Giơ, xã Bản Mế (Si Ma Cai) cho biết: “Là người bản địa nên tôi thấy rất rõ sự thay đổi về thời tiết từ 10 năm trở lại đây, tình hình thiếu nước ngày càng rõ hơn. Được cán bộ xã tuyên truyền, chúng tôi càng thấy cần thiết phải trồng rừng và giữ rừng để tạo nguồn nước cho đời sống và sản xuất”.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lào Cai thì cho rằng, vấn đề ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu không thể là chuyện “một sớm, một chiều”. Bên cạnh việc tích cực phát triển rừng để tạo nguồn sinh thủy còn là sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư hạ tầng thủy lợi là cách ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu.