Theo hãng tin AFP, ngày 4/4, Nga đã nhấn mạnh quyết định của Đức trục xuất nhiều nhà ngoại giao của nước này nhằm đáp trả Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là "không thân thiện" và sẽ làm quan hệ song phương xấu đi.
Đại sứ quán Nga tại Berlin (Đức). Ảnh: CNN
Trong một tuyên bố đăng trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Berlin nêu rõ: "Việc cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại các cơ quan đại diện của Nga ở Đức một cách vô căn cứ sẽ thu hẹp không gian duy trì đối thoại giữa hai nước, dẫn đến quan hệ Nga-Đức ngày càng xấu đi”.
Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này đã tuyên bố 40 nhà ngoại giao Nga là những người "không được hoan nghênh" và phải rời khỏi Đức trong vòng 5 ngày nữa. Đây là phản ứng của Chính phủ Đức liên quan tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là ở thị trấn Bucha. Trưa 4/4, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Nga tại Đức Sergei J. Nechayev tới để thông báo việc trục xuất 40 nhà ngoại giao Nga khỏi Đức.
Theo báo Spiegel, việc Đức quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga có khả năng tạo thêm căng thẳng ngoại giao giữa Moskva và Berlin. Chính phủ Đức cũng đã có những ý kiến khác nhau trong vấn đề trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Tiếp sau Đức, Pháp cũng thông báo nước này sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva sẽ đáp trả quyết định này của Pháp.
* Litva, Latvia hạ cấp quan hệ ngoại giao với Nga, trục xuất đại sứ
Ngoại trưởng Litva, Gabrielius Landsbergis.
Theo RT, Ngoại trưởng Litva, Gabrielius Landsbergis, ngày 4/4 thông báo đại diện ngoại giao của nước này cũng sẽ được triệu hồi khỏi Moskva trong những ngày tới. Vilnius cũng quyết định đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Klaipeda.
Ngoại trưởng Landsbergis nói với các nhà báo, trước những hành động của Nga ở Ukraine, “chính phủ Litva đã đưa ra quyết định hạ cấp tư cách đại diện ngoại giao”. Ông nói thêm: “Đại sứ Nga sẽ phải rời Litva”.
Ngoại trưởng Landsbergis cho hay Vilnius đã thông báo với các đối tác tại Liên minh châu Âu và NATO về quyết định của mình. "Chúng tôi đề nghị các đối tác cũng làm theo", hãng tin TASS dẫn lời ông Landsbergis nói.
Theo TASS, cùng ngày 4/4 Nga tuyên bố sẽ đáp trả quyết định của Latvia, Litva về việc hạ cấp quan hệ ngoại giao.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với TASS rằng phản ứng của Nga trước các quyết định của Latvia và Litva hạ cấp quan hệ ngoại giao với Moskva sẽ sớm được đưa ra. "Các biện pháp ứng phó sẽ sớm được áp dụng", bà Zakharova nói.
Trước đó cùng ngày 4/4, Litva đã thông báo quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Nga và yêu cầu đại sứ Nga rời khỏi nước này. Litva cũng cho biết sẽ triệu hồi đại sứ của mình từ Moskva.
Cả Litva và Latvia đều giải thích động thái của họ là do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Hôm 3/4, kênh Al Jazeera cho biết Latvia, Estonia và Litva đã ngừng nhập khẩu khí đốt Nga như một phần trong nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Latvia cho biết các nước Baltic không còn nhập khẩu khí đốt của Nga nữa. Ông Uldis Bariss, Giám đốc điều hành của Conexus Baltic Grid - nhà điều hành kho chứa khí đốt của Latvia, nói với đài phát thanh Latvia: “Kể từ ngày 1/4, khí đốt tự nhiên của Nga không còn chảy sang Latvia, Estonia và Litva”, đồng thời cho biết thêm rằng thị trường Baltic hiện đang được phục vụ bởi trữ lượng khí đốt dưới lòng đất ở Latvia.
Trong khi đó, Tổng thống Litva, Gitanas Nauseda kêu gọi các thành viên còn lại của EU noi gương các nước Baltic. “Kể từ tháng này - không còn khí đốt của Nga ở Litva”, ông Nauseda đăng trên Twitter.