Với tình trạng lão hóa của dân số thế giới hiện nay, đến năm 2050, số người mắc chứng mất trí sẽ tăng gấp 3 lần, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và xã hội.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo trên trong báo cáo công bố ngày 7/12, cùng với lời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần quan tâm hơn nữa để giải quyết thách thức này, cũng như có giải pháp nhằm đảm bảo những người mắc chứng bệnh mất trí được quan tâm chăm sóc theo yêu cầu.
Theo cảnh báo của WHO, đến năm 2050, chứng bệnh mất trí ảnh hưởng đến khoảng 152 triệu người trên toàn thế giới, trong đó Alzheimer hay còn gọi là bệnh mất trí nhớ là chứng bệnh mất trí phổ biến nhất, chiếm từ 60 - 70% các ca bệnh. Hiện chi phí điều trị hàng năm đối với các bệnh về mất trí đã lên tới 818 tỷ USD, tương đương hơn 1% GDP toàn cầu. WHO ước tính con số này sẽ tăng lên gần 2.000 tỷ USD vào năm 2030, cản trở nghiêm trọng sự phát triển của kinh tế và xã hội cũng như khiến hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội quá tải.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết mỗi năm trên thế giới có gần 10 triệu người bị chẩn đoán mắc các bệnh mất trí và 6 triệu người trong số đó ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. WHO hối thúc cộng đồng quốc tế nhanh chóng thúc đẩy các nghiên cứu về chứng bệnh này, không chỉ tìm ra phương pháp chữa bệnh, mà còn tìm hiểu nguyên nhân để từ đó có thể ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ.
Cùng với việc công bố báo cáo nói trên, ngày 7/12, WHO đã đưa vào hoạt động Hệ thống giám sát chứng mất trí toàn cầu đầu tiên. Hệ thống này chuyên thu thập thông tin dữ liệu về người bệnh, chính sách hiện tại của các nước trong việc chẩn đoán, chăm sóc và chữa trị những người bị bệnh mất trí.