Với sản phẩm chủ lực là tương ớt, nhiều năm nay, Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương đã chủ động phối hợp với các địa phương để phát triển vùng nguyên liệu. Theo đó, hợp tác xã là đầu mối cung cấp giống, phân bón và trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho người dân chuyển đổi các loại cây trồng giá trị thấp sang trồng ớt. Thực tế triển khai ở một số địa phương cho thấy, cứ 1.000 m2 trồng ớt, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, sản lượng quả tươi đạt 500 kg với giá bán tại thời điểm hiện tại trên thị trường là 20.000 đồng/kg, sau khi kết thúc chu kỳ sản xuất, mỗi hộ sẽ có thu nhập bình quân 10 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng ngô. Đến nay, Mường Khương đã có khoảng 45 ha ớt cung cấp nguyên liệu cho Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương.
Nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ ớt hiệu quả, Ban quản lý Dự án WB2 đã và đang triển khai dự án liên kết đối tác và tiêu thụ ớt đặc sản Mường Khương. Đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, từ đó, góp phần chuyển biến nhận thức và đổi mới cách làm của nông dân theo hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Dự án liên kết đối tác sản xuất và tiêu thụ ớt đặc sản Mường Khương được thực hiện thí điểm tại 4 xã Tung Chung Phố, Nấm Lư, Nậm Chảy và Thanh Bình với 577 hộ tham gia. Gia đình anh Pờ Khái Hùng, thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố nhiều năm nay đã trồng ớt trên vườn đồi nhà mình. Năm 2012, gia đình anh trồng 3.000 m2 và cho thu nhập 40 triệu đồng. Thấy trồng ớt hiệu quả, nên năm nay, khi có dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt, gia đình đã tăng gấp đôi diện tích trồng ớt của gia đình. Anh Hùng cho biết: Tham gia dự án, được tập huấn kỹ thuật từ chăm sóc, đến thu hoạch và được bao tiêu sản phẩm, nên rất yên tâm. Gia đình chỉ có 2 nhân lực, nhưng cũng không quá vất vả như trồng ngô, nhưng thu nhập lại cao hơn rõ rệt.
Không chỉ riêng gia đình anh Hùng, nhờ trồng ớt, nhiều hộ dân ở Mường Khương đã từng bước thoát nghèo. Anh Pờ Chín Lùng, thôn Dì Thàng cho biết: Năm nay, gia đình anh trồng 5.000 m2, tuy đầu vụ gặp mưa đá nhưng cây ớt được chăm sóc tốt và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nên mỗi lần thu hoạch được hơn 100 kg ớt tươi. Với giá dao động khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi lần thu hoạch cho thu nhập 2,5 triệu đồng. Như mọi năm, ớt trồng cho thu hoạch rộ trong vòng 2 tháng, sau đó cách khoảng 10 ngày thu hoạch trở lại và kéo dài đến Tết Nguyên đán. Dự kiến, vụ ớt năm nay gia đình anh thu nhập hơn 70 triệu đồng.
Đến năm 2013, diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện đã đạt trên 300 ha. Năm nay, ớt được mùa, thời điểm đầu vụ ớt có phần được giá, nên nông dân rất phấn khởi. So với các cây trồng truyền thống tại địa phương, trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 - 4 lần.
Những năm trước, ớt thu hoạch đến đâu, bà con phải mang ra chợ bán, nhiều khi bị tư thương ép giá, nên giá cả bấp bênh. Nhưng năm nay, thực hiện dự án liên kết đối tác sản xuất và tiêu thụ ớt đặc sản Mường Khương, khi thu hoạch ớt, bà con được hợp tác xã đến thu mua tận nơi với cam kết về giá biến động theo giá thị trường và đảm bảo không dưới 20.000 đồng/kg giúp bà con càng yên tâm gắn bó với loại cây trồng này.
Hiệu quả từ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt trên địa bàn huyện Mường Khương không chỉ tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành tư duy sản xuất mới mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.