Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - cơ sở 2 (đại lộ Trần Hưng Đạo, phường Cam Đường), ngay đầu ngày làm việc đã có nhiều người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính. Anh Diêm Đăng Linh, trú Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đang làm các thủ tục liên quan đến đất đai tại trung tâm chia sẻ: "Tôi rất hài lòng bởi các thủ tục được cán bộ tại trung tâm hướng dẫn nhanh gọn, thuận tiện, chỉ sau vài phút, hồ sơ của tôi đã được chấp thuận, xử lý xong". Anh Linh cho rằng việc đưa các thủ tục về cấp cơ sở là cơ hội để người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch nhanh chóng và đảm bảo quyền lợi.

Còn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - cơ sở 1 (phường Yên Bái), đông đảo người dân cũng có mặt tại đây để được hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính sau khi hai tỉnh hợp nhất. Các thủ tục liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý căn cước và đăng ký, quản lý con dấu được nhiều người quan tâm.
Chị Trần Thị Châm (phường Văn Phú) chia sẻ: “Hôm nay, tôi đến giao nộp con dấu cho Công an tỉnh. Các cán bộ ở đây đón tiếp và hướng dẫn rất nhiệt tình. Sau khoảng 4 phút, tôi đã hoàn thành các thủ tục”.

Việc hợp nhất hai tỉnh đồng nghĩa với sự thay đổi hàng loạt dữ liệu: địa bàn hành chính, mã số đơn vị, cơ sở dữ liệu dân cư và doanh nghiệp. Điều này đặt ra áp lực lớn đối với các cán bộ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Theo Trung tá Hà Thị Mai Hương, cán bộ Bộ phận một cửa, Công an tỉnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - cơ sở 1: Trong ngày đầu tiên thực hiện chính quyền 2 cấp, người dân đến làm thủ tục khá đông. Đối với căn cước hết thời hạn, thay đổi địa giới hành chính, chúng tôi hướng dẫn làm thủ tục cấp lại. Đối với căn cước còn thời hạn, người dân vẫn sử dụng bình thường, không phải thay đổi thông tin.
Tại các địa phương của tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, không khí ngày đầu làm việc khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng diễn ra khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm.
Ông Trương Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hạnh Phúc cho biết: Chúng tôi đã triển khai đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ, trong đó nổi bật là việc 100% cán bộ, công chức được tập huấn bài bản theo mô hình mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đầy đủ, đảm bảo điều kiện phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, bộ thủ tục hành chính được phân cấp, phân quyền về cấp xã cũng đã hoàn thiện và tích hợp lên hệ thống để triển khai đồng bộ.

Thực hiện tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền 2 cấp, 2/3 thủ tục ở cấp huyện được chuyển về chính quyền phường, xã mới và 1/3 thủ tục còn lại được chuyển lên cấp tỉnh. Do đó, đầu công việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ nhiều lên, các thủ tục cũng phải xử lý nhiều hơn trước, đòi hỏi sự quyết tâm, cũng như trách nhiệm của các cán bộ thực thi công vụ.
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - cơ sở 2 khẳng định: Chúng tôi đã bố trí đầy đủ cán bộ có trình độ năng lực để phục vụ, hỗ trợ người dân khi đến làm thủ tục. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tập huấn cho đội ngũ này để thực hiện các công việc đạt hiệu quả cao nhất. Mục tiêu đến hết năm 2025 là 100% thủ tục hành chính được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động không chỉ là sự thay đổi lớn trong cách vận hành, mà còn hướng tới chính quyền lấy người dân là “trung tâm” phục vụ, thực sự "gần dân, sát dân, vì dân".