LCĐT - Là một trong những xã có phong trào phát triển kinh tế mạnh ở huyện Bảo Thắng, nhờ biết phát huy lợi thế vốn có, hàng trăm hộ ở xã Xuân Quang đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hình thành nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng cây ăn quả và dịch vụ mang lại hiệu quả cao.
![]() |
Kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Xuân Quang. |
Trang trại nuôi gà của anh Phan Nhật Quang, thôn Làng Bông có quy mô lớn nhất xã Xuân Quang, với số lượng 20.000 con/lứa, mỗi năm mang lại cho gia đình anh từ 700 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng. Anh Quang cho biết: Trước đây, tôi từng công tác trong ngành dân số của tỉnh. Qua thời gian công tác, tôi thấy công việc không phù hợp, vì chuyên môn chính của tôi là kỹ sư nông nghiệp, nên tôi quyết định xin nghỉ việc để về quê khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi gà”.
Được sự đồng thuận của gia đình, năm 2006, anh Quang đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà với quy mô 2.000 con/lứa. Vừa chăn nuôi, vừa tích lũy để mở rộng quy mô chuồng trại, đến nay, trang trại của anh đã phát triển với quy mô 20.000 con gà/lứa, mang lại thu nhập ổn định và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cách làm của anh Phan Nhật Quang, nhiều gia đình ở thôn Làng Bông đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, thấy bà con trong thôn đầu tư chăn nuôi kém hiệu quả do dịch bệnh và thị trường không ổn định, năm 2014, anh Quang quyết định thành lập Hợp tác xã Xuân Tiến, tập hợp 12 hộ trong thôn tham gia chăn nuôi gà. Với chủ trương liên kết chặt chẽ trong sản xuất giữa 3 nhà (nhà nông - hợp tác xã - doanh nghiệp), anh tìm đến các công ty ở Vĩnh Phúc, Hà Nội để ký hợp đồng cung ứng giống gà, thức ăn và thuốc thú y cho Hợp tác xã Xuân Tiến.
Với cách làm này, Hợp tác xã Xuân Tiến luôn chủ động được nguồn giống chất lượng, các xã viên được cung cấp nguồn thức ăn và thuốc thú y với giá thấp, gần bằng với giá của nhà sản xuất, góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi. Ngoài ra, việc liên kết còn phát huy hiệu quả như khi xảy ra dịch bệnh, các công ty cung ứng thuốc thú y sẽ có trách nhiệm phân tích mẫu bệnh phẩm ngay sau khi hợp tác xã gửi về và đưa ra phác đồ điều trị, nên nguy cơ rủi ro do dịch bệnh được kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất.
Anh Quang tâm sự: “Hợp tác xã Xuân Tiến không mang mục đích kinh doanh, mà chỉ làm những việc các thành viên trong hợp tác xã gặp khó, như cung ứng giống, vật tư, thị trường đầu ra, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi… Còn trong chăn nuôi, các thành viên sẽ tự chủ hoàn toàn về quy mô, hiệu quả chăn nuôi”. Với “tư duy” mới trong tổ chức sản xuất, Hợp tác xã Xuân Tiến do anh Phan Nhật Quang làm Giám đốc luôn phát huy được hiệu quả khi duy trì số lượng đàn gà trên 60.000 con/năm, mang lại thu nhập ổn định cho 12 thành viên, trung bình từ 100 đến 200 triệu đồng/thành viên/năm.
Mô hình trang trại của anh Phan Nhật Quang không phải là duy nhất nhưng là điển hình ở xã Xuân Quang về quy mô và hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Viết Khoản, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết: Thời gian qua, phong trào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã diễn ra sôi nổi, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng. Trên địa bàn xã có hàng trăm mô hình kinh tế thuộc các ngành nghề khác nhau, như thu mua nông sản, trồng cây ăn quả, các loại hình dịch vụ, chăn nuôi. Trong số đó, chăn nuôi là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng nhiều nhất. Xã hiện có hơn 40 mô hình chăn nuôi được công nhận là mô hình kinh tế trang trại. Để thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế trong nhân dân, chính quyền xã luôn chú trọng tuyên truyền, tạo mọi điều kiện để bà con được tham gia đào tạo nghề, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Hiện, tổng dư nợ ngân hàng trên địa bàn xã đạt trên 200 tỷ đồng, hầu hết số tiền vay được người dân đầu tư vào sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm, còn trên 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm.
Phát huy lợi thế, nhân rộng mô hình kinh tế đang mang lại hiệu quả cao đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở Xuân Quang.