Hai cựu binh Mỹ, một thông điệp về chiến tranh Việt Nam

Năm 1968, máy bay do trung tá phi công hải quân Mỹ Gene Wilber điều khiển đã bị bắn rơi trên bầu trời Nghệ An. Năm đó, con trai ông-Tom Wilber mới 12 tuổi.

Ngày 15-6-1968, Tom Wilber nhận được bức thư chúc mừng sinh nhật từ cha. Anh từng nghĩ rằng đó có thể là thứ cuối cùng anh nhận được từ cha mình sau khi ông bị bắt. Thế nhưng hai năm sau, anh nghe được tin từ cha. Ông bị tạm giam trong Nhà tù Hỏa Lò và hoàn toàn khỏe mạnh.

Trong suốt thời gian gần 5 năm ở Hỏa Lò (1968-1973), ông Gene Wilber đã nhận được sự đối xử nhân đạo, khoan dung từ những cán bộ, chiến sĩ quản lý trại giam. Điều này góp phần khiến ông có cái nhìn rõ nét hơn về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Ông Gene Wilber có cảm tình với các quản giáo tại Nhà tù Hỏa Lò, với đất nước, con người Việt Nam. Ngay trong thời gian sống tại Nhà tù Hỏa Lò, ông đã nhận ra cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam là bất hợp pháp và sai lầm.

Hai cựu binh Mỹ, một thông điệp về chiến tranh Việt Nam
Cha con Wilber và bình hoa làm từ mảnh vỡ của máy bay F-4J bị bắn rơi tại Việt Nam năm 1968.

Sau này trở về Mỹ, tình cảm yêu mến ông dành cho Việt Nam không mất đi mà ngày càng phát triển. Ông đã có những hành động tích cực nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất của Việt Nam, đồng thời kêu gọi sớm chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa mà quân đội Mỹ thực hiện. Tình cảm dành cho Việt Nam cũng được ông truyền lại cho con trai Tom Wilber, người sau này đã nhiều lần đến Việt Nam và nỗ lực đóng góp cho việc hàn gắn quan hệ hai nước sau chiến tranh.

Mới đây, nhân ngày Memorial Day-ngày lễ tưởng niệm những quân nhân Mỹ tử nạn khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Tom Wilber đã có bài viết về người cha của mình với nhan đề "Cha tôi, tù binh, người phản chiến, yêu nước" đăng trên Tạp chí USA Today và nhấn mạnh: “Đây là những gì cha tôi sẽ nói với các binh sĩ quân đội ngày hôm nay”. Bài viết đã để lại tiếng vang trong phong trào hòa bình, phản chiến và những người bạn ủng hộ Việt Nam.

Trong bài viết, Tom Wilber mô tả lại cuộc diễu hành cuối cùng nhân ngày Memorial Day mà anh tham gia cùng cha vào 6 năm trước. Khi đó, hai cha con đã mang theo những kỷ vật đặc biệt từ Việt Nam để tham gia cuộc diễu hành của các cựu chiến binh Mỹ. Tom Wilber cầm theo bên mình chiếc bình cắm hoa mà anh đã sưu tập được hai tuần trước đó tại một ngôi làng ở tỉnh Nghệ An. Điều đặc biệt là chiếc bình hoa này được làm từ mảnh vỡ của máy bay F-4J do cha anh điều khiển, đã bốc cháy và lao xuống Nghệ An năm 1968.

Trong khi đó, Gene cầm trong tay một lọ đất nhỏ mà con trai ông lấy từ hiện trường vụ rơi máy bay. Đó cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của người bạn ông-Bernie, người đã ngồi ghế sau chiếc máy bay F-4J năm đó và không thể thoát ra ngoài.

Hai cha con-hai thế hệ lính hải quân Mỹ, đã mang những món đồ tượng trưng cho cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam trong cuộc diễu hành năm 2015-cuộc diễu hành cuối cùng trong cuộc đời Gene. Chỉ hai tuần sau đó, ông qua đời vì căn bệnh ung thư não. Mảnh vỡ từ động cơ máy bay một lần nữa biến thành bình hoa, lần này được trưng bày ngay tại lễ tang ông.

Chia sẻ trong bài viết, Tom cho biết đứng thẳng với bố anh đã là việc khó khăn trong những ngày cuối đời, nhưng Gene vẫn luôn nổi bật. Là một phi công chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm và sĩ quan chỉ huy đội máy bay chiến đấu, ông từng nghĩ rằng ông chiến đấu cho hòa bình tại Việt Nam. Nhưng ông đã hoài nghi về điều đó ngay cả trước khi máy bay bị bắn rơi. Khi bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, ông đã có thời gian suy nghĩ một cách thấu đáo. Gene đi đến kết luận rằng cuộc chiến của Mỹ là phi nghĩa và sai lầm. Ông đã khẳng định như vậy trong suốt phần đời còn lại.

Hầu hết các cựu tù binh quay sang phản đối cuộc chiến cho rằng, họ phải giấu kín suy nghĩ đó, vì lo ngại nếu nói ra có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp quân ngũ, thậm chí có thể bị tống giam khi hồi hương. Nhưng ông Gene đã lên tiếng phản đối cuộc chiến, cả trong và sau khi bị giam giữ. Với ông, lương tâm là điều rất quan trọng. Cuộc chiến là sai trái. Nếu không nói ra điều đó, sự im lặng của ông giống như là tự phản bội.

Gene đã phải trả giá đắt vì phản đối cuộc chiến. Sau gần 5 năm bị giam giữ, ông trở về nhà và bị xem như một nhân vật chống đối cùng nhiều người khác, bị đem ra "tế thần" cho nỗi xấu hổ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ.

Vào năm 1973, chính quyền Nixon đã tổ chức chiến dịch hồi hương chào đón các tù binh chiến tranh trở về như là hiện thân của "hòa bình trong danh dự". Một lần nữa, làn sóng chỉ trích cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ trong cộng đồng những người phản chiến lại sống dậy. Vào thời điểm chiến dịch hồi hương triển khai, hàng trăm nghìn người Mỹ đã diễu hành trên đường phố, bao gồm hàng chục nghìn binh sĩ và cựu chiến binh.

Tom Wilber khẳng định, một bộ phận người Mỹ lảng tránh các câu hỏi mà cha anh và các cựu tù binh khác nêu ra. Một bộ phận khác lại hoàn toàn không hay biết về tiếng nói bất đồng của họ. Quá khứ sai lầm dần bị vùi lấp, thay vào đó là sự huyễn hoặc về anh hùng. 

Trong bài viết nhân ngày Memorial Day, Tom Wilber mong có thể gửi tới các quân nhân Mỹ và gia đình họ thông điệp mà cha anh muốn truyền tải. Đó là hãy ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ những nguyên tắc mà dựa trên đó đất nước được thành lập... Hãy luôn giữ tâm trong sáng để có thể nhận rõ đâu là điều nên làm và không nên làm.

Tom Wilber từng phục vụ 20 năm trong lực lượng hải quân Mỹ. Anh là đồng tác giả cuốn sách “Tù binh bất đồng chính kiến: Từ Nhà tù Hỏa Lò của Việt Nam đến nước Mỹ ngày nay”. 
Quân đội nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 17/11 ra tuyên bố chung kêu gọi hợp tác đa phương hiệu quả để đối phó với nhiều thách thức trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2023 đã tăng 20% so với năm trước đó lên 10,3 triệu ca, cho thấy khoảng trống đáng báo động trong việc bao phủ vaccine ngừa bệnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu, được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, công bố ngày 14/11.

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 12/11 tại cuộc tọa đàm ở trụ sở Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ở thủ đô Paris, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị-xã hội cao, cùng với sự thận trọng trong việc điều hành các công cụ chính sách, trong đó có ngân sách và tiền tệ. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Ông Ishiba Shigeru đã tái đắc cử chức Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 11/11 và sẽ thành lập một chính phủ thiểu số. Trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nội các của ông Ishiba đã từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Ngày 9/11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed Al Ansari, tuyên bố nước này tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại Dải Gaza cho tới khi Hamas và Israel chứng minh được “thái độ nghiêm túc” trong đối thoại.

fbytzltw