LCĐT - Khi cánh hoa đào khoe sắc thắm, “cố tỷ” (tiếng Mông có nghĩa là anh em) Hạng A Giảng ở thôn Móng Xóa, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa gọi điện mời tôi lên vui xuân, đón Tết với gia đình. Tin vui nhà A Giảng: Ai cũng khỏe, làm kinh tế có bát ăn, bát để! Mừng cho A Giảng, tôi nhận lời lên vùng đất dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn hùng vỹ.
Đón tôi, Hạng A Giảng tươi cười giới thiệu với mẹ là Vàng Khúa Ly và người thân. Trong nhà A Giảng bày biện nhiều tiện nghi mới như bàn, ghế, tủ, giường, ti vi, xe máy. Bên mâm cơm thịnh soạn, Hầu Seo Mỷ, vợ A Giảng hai tay nâng bát rượu ngô mời khách. Ấm người vì men rượu nồng xua đi cái lạnh, tôi nhớ kỷ niệm lần trước đến núi Ngũ Chỉ Sơn có hỏi cụ Lý Seo Say ở bản Suối Thầu về dãy núi có hình năm ngón tay. Cụ Say cắt nghĩa: Đó là “Núi bàn tay năm ngón”. Người Mông có câu chuyện cổ tích rằng: Ngày xưa ở vùng đất này, hằng năm cứ đến độ tháng ba, ngày tám, nhà người Mông không có cái để ăn. Người Mông bất chấp hiểm nguy, thú dữ rình rập tính mạng vào rừng săn bắt, hái lượm kiếm cái ăn gắng đợi đến vụ mùa gặt có thóc, ngô. Thấy cảnh người Mông bữa no, bữa đói, Nhà Trời đặt một bàn tay xuống mặt đất ngón chỉ lên trời, trong lòng bàn tay có chứa một hang thóc quý. Nhà Trời dặn người Mông: “Hang thóc quý này dành cho người hết thóc lấy về nhà ăn, nhớ đến vụ gặt đem thóc trả lại”. Từ bấy giờ người Mông ở chân núi Ngũ Chỉ Sơn không còn cảnh đói “mờ hai mắt”. Một ngày kia, hang thóc bị kẻ xấu lén mang thóc lép đổ vào. Nhà Trời biết hang thóc quý bị vấy bẩn, mất đi sự tôn nghiêm nên đóng sập cửa hang. Hang thóc biến mất, chỉ còn bàn tay núi đá Nhà Trời.
Xuân này trở lại Ngũ Chỉ Sơn, tôi hỏi Hạng A Giảng chuyện xóa đói nghèo của gia đình anh và bà con trong xã. Cố tỷ mở lòng: Mình tính kỹ rồi mới quyết định đổi mới cách làm ăn. Sống dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn, mùa đông nước đóng băng vì ở sườn núi cao, người dân ít ruộng chỉ trồng cấy được một vụ. Muốn thoát cảnh nghèo, người Mông phải có nhiều ruộng, cấy được hai vụ lúa như ở bao vùng quê khác. Để vượt khó, hai năm trước, mình bàn với vợ, ngoài việc cấy lúa, trồng ngô, nuôi lợn, gà, phải nuôi thêm cá hồi. Điều kiện khí hậu thuận lợi, mình nuôi hơn 1 vạn con cá hồi ở 5 bể, trong đó có 2 bể nuôi cá giống, 3 bể nuôi cá thịt. Mặc dù gặp phải dịch bệnh, khách du lịch đến Sa Pa giảm so với trước khiến giá cá hồi thời điểm này chỉ còn từ 150 đến 200 nghìn đồng/kg, thế nhưng không thể phủ nhận con cá hồi đã giúp cuộc sống gia đình mình ổn định. Tổng doanh thu từ nuôi cá năm 2020 đạt hơn 500 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Thế là đón Tết này, nhà mình no đủ hơn Tết trước!
Tôi gật đầu thán phục sự nhanh nhạy và nghị lực vượt khó làm giàu của Hạng A Giảng.
Chia sẻ với tôi, anh Vù A Súa, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Chỉ Sơn bảo: Nhờ nuôi cá hồi, gia đình Hạng A Giảng đã thoát nghèo và được Hội Nông dân xã bình chọn là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2020.
Núi Ngũ Chỉ Sơn là tên gọi của xã mới được thành lập từ xã Bản Khoang và xã Tả Giàng Phìn sáp nhập lại. Tết này, xã có 3 sản phẩm mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương là cá hồi, su su và tinh dầu cây chùa dù. Vào mạng internet gõ nhóm từ khóa “cá hồi Ngũ Chỉ Sơn”; “su su Ngũ Chỉ Sơn”; “tinh dầu chùa dù Ngũ Chỉ Sơn” là hiện ra nhiều đường link mô tả chi tiết sản vật. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã mở ra nghề nuôi cá nước lạnh ở Ngũ Chỉ Sơn, nơi đây được coi là “vựa cá” của thị xã Sa Pa. Địa phương hiện có hơn chục trang trại nuôi cá quy mô lớn và khoảng 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh, với hàng trăm lao động. Vào những ngày giá rét, dù nhiều công việc, hoạt động bị ảnh hưởng, thậm chí đình trệ, thì không khí lao động, sản xuất ở đây vẫn chạy đều đặn như chiếc kim đồng hồ. Xe chở cá, đeo biển số Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh đổ về trục đường liên xã thu mua cá. Đầu thôn Suối Thầu, Móng Xóa, Can Hồ, tới cuối xóm, đâu cũng bắt gặp những xe cá đầy. Người Mông, người Dao ở đây cho biết: Nghề nuôi cá hồi và cá tầm ở Ngũ Chỉ Sơn ngày càng phát triển, giúp người dân tăng thu nhập. Hết năm 2020, sản lượng cá của xã Ngũ Chỉ Sơn đạt hơn 200 tấn, tăng 150 tấn so với năm trước, mang về hơn 50 tỷ đồng, giúp cho người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.
Bên cạnh con cá nước lạnh, su su trên khắp vùng đất Bản Khoang, Tả Giàng Phìn (cũ) cũng mang lại nguồn thu lớn cho người dân xã Ngũ Chỉ Sơn. Tổng diện tích cây su su của xã hiện lên tới hơn 70 ha. Khác với thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên... su su ở Ngũ Chỉ Sơn chỉ trồng một lần, có thể để nguyên gốc cho thu hoạch tới hàng chục năm. Chị Tẩn Khé Mẩy, Phó Chủ tịch HĐND xã Ngũ Chỉ Sơn hồ hởi: Quả su su ở đây từng bước có mặt tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở Hà Nội. Để giữ giá và tìm thị trường tiêu thụ, các ngành chức năng của thị xã và chính quyền địa phương đã vào cuộc tìm giải pháp giúp người trồng nâng giá trị sản phẩm, trong đó chủ yếu là liên kết “bốn nhà”, xây dựng và quảng bá thương hiệu su su, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao...
Cây trồng mới của địa phương cũng bước đầu mang lại hiệu quả. Đó là cây chùa dù - một cây thuốc đặc hữu của người Mông, Dao, thân thảo, mọc ở rừng. Với sản lượng hơn 1.000 tấn cây bán ra thị trường trong năm 2020 đã đem về cho đồng bào tiền tỷ. Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ Tả Phìn đã ký hợp đồng thu mua hết cây chùa dù trồng trên địa bàn để chiết xuất, cô đặc đóng chai đưa đi tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Phàn Tả Mẩy ở thôn Can Hồ chia sẻ: Trước đây tôi chỉ cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi gà, lợn, trâu, công việc vất vả nhưng cuộc sống vẫn đói nghèo. Giờ gia đình tôi trồng cây chùa dù bán cho hợp tác xã, thu nhập khá cao, vì thế kinh tế gia đình ổn định hơn, con cái được học hành đầy đủ…
Câu chuyện làm ăn của nhà cố tỷ Giàng A Giảng, của thôn, của xã cứ dài thêm mãi…
Trong không khí ngày Tết, chị Hầu Seo Mỷ, vợ Hạng A Giảng cất tiếng hát nhẹ nhàng: “Anh hỡi!Xuân lại về/Cái gì gọi xuân về/Con chim én gọi xuân về/Hoa đào nở đỏ giục xuân đến/Em nảy khúc đàn môi réo rắt/Anh thổi khèn cùng em đón xuân...”.
Tết ấm thắm tình dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn để lại ấn tượng tốt đẹp trong tôi về cuộc sống mới gắn với những câu chuyện vui ở vùng đất đang chuyển mình vươn lên.