Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương dự và chỉ đạo đại hội.
Dự đại hội còn có các đồng chí: Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban chính sách, chiến lược Trung ương; Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương, Tổ phó Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Giàng Thị Dung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; bí thư đảng ủy các xã, phường trong tỉnh và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Tiếp tục chương trình làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Yên Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các xã trước sáp nhập nhiệm kỳ 2020 - 2025; xác định phương hướng, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới; thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Báo cáo chính trị trình bày tại đại hội nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện của tỉnh, lĩnh vực kinh tế của Yên Bình tiếp tục có bước phát triển; trong đó, nông - lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả khả quan. Các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh gắn với hình thành thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực.
Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.761 tấn, tăng 7,9% so với năm 2020; tổng đàn gia súc chính đạt hơn 17.000 con, tăng 1,3% so với năm 2020; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt gần 1.860 tấn, tăng 23,3% so với năm 2020. Đặc biệt, xã xây dựng, phát triển được 48 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, một số sản phẩm liên kết đã xuất khẩu sang thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc...

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và đạt kết quả nổi bật, toàn diện, là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Bình cũ. Đến năm 2025, có 22/22 thôn đạt chuẩn nông thôn mới,10/22 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 68,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2020.
Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, trong đó có cụm công nghiệp thuộc thôn Trung Tâm và thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng (cũ). Đến nay, tại địa phương đã hình thành khu đô thị dân cư Ruby Garden; dự án khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái Thịnh Hưng 1, Thịnh Hưng 2. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, hạ tầng thông tin, viễn thông được đầu tư đồng bộ...
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng cao, đến năm 2025 ước đạt 3.200 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng hơn 2 lần so với năm 2020, chiếm 56% giá trị sản xuất ngành công nghiệp của huyện Yên Bình cũ. Trên địa bàn hiện có 311 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã và 136 tổ hợp tác, giải quyết nhu cầu việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương.
Hoạt động thương mại, dịch vụ có bước phát triển nhanh, hiện, xã đã hình thành các cơ sở du lịch với một số sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng thu hút du khách trong nước và quốc tế, như: du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, ẩm thực trên hồ tại khu du lịch sinh thái Ruby, làng An Bình... Năm 2025, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; dự ước lượng khách du lịch đến xã đạt 250.000 lượt người; doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 225 tỷ đồng, gấp hơn 1,7 lần năm 2020.
Thu ngân sách trên địa bàn xã hằng năm đều đạt và vượt dự toán giao, giai đoạn 2021 - 2024 bình quân tăng thu đạt từ 5%/năm trở lên; năm 2025, dự ước thu ngân sách đạt 235 tỷ đồng.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế có bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; tình hình chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ không ngừng được nâng lên.

Đến nay, 100% trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, trong đó có 60% trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2; tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm đạt 1,5%; kết nạp 214 đảng viên mới, tăng 127% so với giai đoạn trước; xã đã hoàn thành 27/28 chỉ tiêu, đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Với chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, đại hội đã đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá và các nhóm giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết; khai thác hiệu quả động lực tăng trưởng mới, đưa Yên Bình trở thành xã phát triển của tỉnh vào năm 2030”.

Tại đại hội, các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến vào các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng bộ xã và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Yên Bình.
Các tham luận tập trung phân tích những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, cách làm hay trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về: đột phá, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia tạo động lực chủ yếu để phát triển lực lượng sản xuất mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, trọng tâm là giải quyết thủ tục hành chính phục vụ Nhân dân; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân xã; giải pháp quản lý và nuôi dưỡng, phát triển các nguồn thu, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn xã, giai đoạn 2025 - 2030.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương biểu dương những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Yên Bình đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương yêu cầu Đảng bộ xã Yên Bình tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng bộ thật sự vững mạnh, mẫu mực, làm trước, làm tốt, làm để lan tỏa; tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chuyển từ tư duy nhiệm kỳ sang tư duy phát triển bền vững. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số có đủ năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị số ở cơ sở.
Về phát triển kinh tế - xã hội, cần nhận diện đúng lợi thế và thách thức trong bối cảnh mới, cần nhìn rõ xã đang có gì và đang thiếu gì. Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương khẳng định: Yên Bình là xã trung tâm của vùng hồ Thác Bà, hội tụ các tiềm năng đặc biệt về nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng, năng lượng sạch và đô thị ven hồ; tiếp giáp hành lang kinh tế cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Côn Minh, kết nối liên tỉnh, mang đến lợi thế hiếm có để phát triển logistics, đô thị hóa nông thôn và kinh tế vùng.
Tuy nhiên, Yên Bình cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu quỹ đất công nghiệp sạch, một số thôn, bản vùng sâu còn khó khăn, nhất là ở Đại Đồng và Tân Hương. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt gần 65%, trình độ lao động và kỹ năng số còn hạn chế. Do đó, thực tiễn yêu cầu sự chuyển biến quyết liệt về tư duy và hành động trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị của xã, đặc biệt khi mô hình chính quyền 2 cấp đòi hỏi gần dân, sát dân hơn; không né tránh, càng khó thì càng phải nghĩ cách làm cho đúng, hiệu quả, Đảng bộ cơ sở phải là nơi đi đầu trong đổi mới tư duy và tổ chức thực hiện.

Đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị đại hội cần thảo luận sâu về việc tận dụng sáp nhập để quy hoạch lại không gian phát triển: phân rõ vùng sản xuất, vùng dịch vụ, vùng dân cư; giữ bản sắc nhưng phải mở cửa với cái mới; du lịch sinh thái đã phát triển ở hồ Thác Bà, Tân Hương nhưng không thể làm theo cách tự phát; phải có tư duy cụm ngành, tư duy liên kết ngành, vùng.
Phát triển nông nghiệp đặc thù của xã Yên Bình cần gắn với chuỗi giá trị, thị trường và ứng dụng công nghệ, số hóa nông thôn; tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi riêng rẽ mà phải được kết nối với thị trường, với công nghiệp chế biến và với du lịch sinh thái vùng hồ Thác Bà. Các khu vực đô thị hóa nông thôn phải hướng tới cung ứng dịch vụ công chất lượng cao, bảo đảm môi trường sống văn minh, hài hòa giữa phát triển kinh tế và gìn giữ giá trị truyền thống; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa quản trị xã hội.

Đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, ngay sau đại hội này, chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc, toàn diện về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội điểm để tổ chức thành công các đại hội khác theo kế hoạch, bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Tại đại hội, thực hiện Quyết định số 1515- QĐ/TU ngày 23/6/2025 của Tỉnh ủy đã chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ xã Yên Bình nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 33 đồng chí. Đồng chí Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái (cũ) được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình, nhiệm kỳ 2025 - 2030; đồng chí Trần Thị Thúy Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Yên Bình (cũ) và đồng chí Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái (cũ) được chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Yên Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã thành công tốt đẹp.
18 chỉ tiêu chủ yếu được đề ra trong nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 550 tỷ đồng.
- Tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn bình quân hằng năm đạt 11,5%.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm.
- Số lượt khách du lịch đến xã đạt 800.000 lượt khách/năm.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 60%.
- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,5%.
- Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 100%, trong đó tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt 80%.
- Xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 tuổi.
- Đến năm 2030, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
- Đến năm 2030 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 92,8%; tỷ lệ thôn đạt danh hiệu văn hóa là 91,4%.
- Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 50%.
- Chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 75%.
- Tỷ lệ che phủ rừng 44,5%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn là 98%; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt 90%.
- Kết nạp đảng viên mới hằng năm đạt 2%.
- Đảng bộ xã, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 90%.
- Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt 85%.