Dịu dàng hương bưởi

LCĐT - Mùi hương từ hoa tươi trong vườn của ngoại đúng độ nở cứ mãi ám ảnh, đeo đuổi tôi theo năm tháng, để đến tận bây giờ, trên dặm dài thiên lý phận người, tôi vẫn không thể nguôi quên hương hoa dung dị ấy, nhất là mỗi độ tháng Ba về.

Dù cho người ta có thể chiết xuất ra mùi hương từ hoa tươi thành thứ nước hoa để tôi có thể thỏa cơn thèm khát quay về ký ức bất kỳ tháng nào trong vòng tuần hoàn của thời gian bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thế nhưng vẫn không thể nào bằng chờ đợi để được đắm chìm trong không gian hương bưởi dịu dàng của tháng Ba nơi vườn của ngoại.

Còn nhớ, hồi nhỏ, tôi được ở gần với ngoại. Vườn ngoại có cây bưởi, ra hoa mỗi độ tháng Ba. Ngoại kể cho tôi nghe, trước hôm ông ngoại lên đường ra trận, ông đun một nồi nước bồ kết, hương nhu, lá sả thật to và không thể thiếu những cánh hoa bưởi thơm dìu dịu nữa, để bà gội đầu. Và chiến trường xa cách đã khiến mỗi độ mùa cây bưởi đơm hoa, ngoại lại ra sau vườn, tự tay hái hoa bưởi và đun nước gội đầu cho mình, vắng chồng. Trong bức thư viết cho ông, ngoại cũng không quên ép những bông hoa bưởi đầu mùa với bao nhung nhớ gửi ra mặt trận.
Cứ thế, cho đến ngày ông ngoại trở về, trên mình mang vết thương bom đạn chiến tranh. Song, như một sự sắp đặt, cũng đúng dịp ấy, cây bưởi nở hoa trắng muốt. Bà đón ông trong nồng nàn hương bưởi… và hẳn là bà được ông dội từng gáo nước bồ kết thoảng hương bưởi lên mái tóc đã vơi rụng bởi đợi chờ. Sau này, khi có mẹ tôi, rồi khi có tôi, ngoại vẫn truyền cho con gái và đứa cháu gái món dầu gội gia truyền ấy... Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn in rõ hình ảnh ông ngoại cẩn thận tách từng cánh hoa bưởi vừa hái trên cây xuống để tự tay ướp trà hoa bưởi, uống trong ngày. Tôi lớn lên trong ngào ngạt hương bưởi và tình yêu thương của ngoại. Để rồi, mùi hương ngan ngát sau nhà ấy cứ theo tôi mãi trong hành trình của tháng năm.

Tôi ra thành phố học, thi thoảng mới được về thăm ngoại. Rồi tôi có gia đình, những tháng Ba được về bên ngoại, bên mẹ, để chạy ùa ra vườn, để hít hà hương thơm từ chùm hoa bưởi nở buổi sáng sớm rồi cũng thưa dần… Ngoại tôi tóc đã phai, trắng như màu hoa. Ngoại biết tôi thích hoa bưởi nên mỗi độ tháng Ba về vẫn không quên nhắc mẹ tôi hái gửi ra cho đứa cháu ngoại ở xa một ít hoa bưởi và dặn, nhớ bảo nó gội đầu bằng nước bồ kết nhé, đừng dùng mấy thứ xa xỉ phẩm ấy, hại tóc. Còn mẹ tôi thì tỉ mỉ ngồi nướng bồ kết trên than hoa, rồi say thành bột mịn gửi cho con gái tiện pha nước gội đầu. Mỗi lần nhận quà từ ngoại, có hôm tôi dành nguyên cả một ngày chỉ để đọc sách, uống trà và thả lỏng tâm hồn mình trong hương hoa bưởi mà thôi.

Đôi lúc, mải miết giữa dòng xe tấp nập trên đường, bất chợt tôi gặp một gánh hàng hoa đủ sắc màu. Trong góc nhỏ khiêm nhường của gánh hàng hoa ấy, trắng muốt một màu hoa bưởi. Giật mình tháng Ba! Nhớ ngoại. Những lần như thế, chưa thể về với ngoại, tôi lặng lẽ mua vài chùm hoa bưởi, để trên bàn làm việc và hít hà hương thơm. Thế rồi, cứ mải bộn bề với những toan lo thường nhật của cuộc sống, tôi đã đi qua mùa hoa bưởi một cách vội vã lúc nào không hay.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngọt ngào hương cau

Ngọt ngào hương cau

Hoa cau thường nở vào cuối Xuân đầu Hạ hằng năm. Hoa cau trắng ngà mang vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ và hương thơm dịu ngọt, ngan ngát theo làn gió thổi, len lỏi vào từng con ngõ, đường quê, mảnh vườn... 

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” sẽ diễn ra từ ngày 25 - 29/6 tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng (thành phố Hải Phòng) với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát hiện vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao.

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi" là nhan đề một bài viết được hãng thông tấn Prensa Latina đăng tải ngày 7/5 nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta.

fb yt zl tw