10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bức ảnh chụp từ trên cao về bộ Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế.

Độc đáo những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế

Trong khuôn khổ Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Mông Cổ ngày 8/5/2024, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Cửu đỉnh gồm 9 đỉnh bằng đồng do hoàng đế Minh Mạng cho đúc từ năm 1835-1837, sau khi hoàn thành được đặt trong sân của Thế Miếu, bên trong hoàng cung Huế. Trải qua hàng thế kỷ, đến nay bộ Cửu đỉnh này vẫn còn nguyên vẹn tại vị trí cũ.

Các đỉnh được đặt tên như sau: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Trên đỉnh khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng những hình ảnh mang tính biểu tượng về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra.

Tất cả 162 hình trên Cửu đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học, là bách khoa toàn thư về cuộc sống con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Những bản đúc này cũng là độc đáo và duy nhất. Cửu Đỉnh được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 1, năm 2012.

Một số nghiên cứu đã cho thấy, trọng lượng mỗi đỉnh từ hơn 1,9 tấn đến 2,6 tấn, do đó, để đúc được mỗi chiếc đỉnh phải dùng 60 lò nấu đồng góp lại, mỗi lò chỉ nấu được 30-40kg đồng. Các phù điêu trên thân đỉnh được tạo mẫu, làm khuôn từ trước và đúc liền khối. Công việc này đòi hỏi sự tập trung của rất nhiều nhân công cùng các kíp thợ giỏi. Bộ Cửu đỉnh này là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng của người Việt xưa.

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, việc hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được vinh danh là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.

Bên cạnh đó, việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương. Đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ VHTTDL kiến nghị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Như vậy, trước khi hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được vinh danh, Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu. Xin được điểm lại như sau:

Một số bài thơ được sơn son thếp vàng treo tại Trường Lang Tử Cấm Thành, Huế.

Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009)

Mộc bản Triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác; là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn, khắc in chủ yếu dưới Triều Nguyễn. Mộc bản được hình thành chủ yếu bằng kỹ thuật khắc ngược ký tự Hán Nôm trên gỗ để in ra sách được sử dụng phổ biến trong thời kỳ phong kiến và còn lưu giữ được đến ngày nay.

Mộc bản Triều Nguyễn gồm 34.619 tấm, được chia thành hơn 100 đầu sách với nhiều chủ đề như: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự; văn thơ.

Với giá trị đặc biệt về nội dung, nghệ thuật chế tác, Mộc bản Triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới vào ngày 31/7/2009 và trở thành Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (được công nhận năm 2011)

82 bia tiến sĩ tương ứng với 82 khoa thi, có niên đại từ năm 1484 - 1780, ghi tên các vị đỗ đại khoa tại các khoa thi. Đây là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại. Đó cũng là những tư liệu chân thực, phản ánh bức tranh sinh động về chế độ đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam, kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê - Mạc. Hệ thống 82 bia tiến sĩ còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài.

Tháng 3/2010, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến tháng 7/2011, 82 bia tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu.

Bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (được công nhận năm 2012)

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có những giá trị tư liệu độc đáo và giàu ý nghĩa nhân văn thể hiện ở chỗ: Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông - một hoàng đế đi tu sáng lập và là Phật phái riêng biệt đầu tiên của Việt Nam, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc.

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (được công nhận năm 2016)

Hệ thống "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván ở các di tích kiến trúc Huế được xây dựng trong giai đoạn triều Nguyễn (1802-1945).

Đặc biệt, phong cách trang trí "nhất thi nhất họa" ở kiến trúc Huế đã hình thành và phát triển rực rỡ ngay trong giai đoạn này, rồi trở thành như một điển lệ của triều đình trong trang trí công trình kiến trúc cung đình từ đó về sau.

“Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”, với gần 3.000 họa tiết trang trí thơ văn, là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; với sự phong phú đa dạng về nội dung, thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng…

Di sản này phản ánh rõ nét một giai đoạn phát triển lịch sử mỹ thuật kiến trúc trang trí của Việt Nam.

Mộc bản trường học Phúc Giang (được công nhận năm 2016)

Mộc bản trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, tại trường học Phúc Giang (thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay).

Khối mộc bản được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 12 quyển): Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, hiện nay toàn bộ mộc bản chỉ còn 394 bộ được lưu giữ và bảo quản tại Nhà thờ Nguyễn Huy Tự (xã Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Toàn bộ mộc bản được năm danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy biên soạn gồm Nguyễn Huy Tửu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự. Hầu hết những người này đều tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám.

Châu bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2017)

Châu bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu Hán-Nôm, bao gồm các văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945): văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao.

Một trong những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn là những tư liệu đặc biệt quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017, UNESCO lại tiếp tục công nhận Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là Di sản tư liệu thế giới.

Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa) (được công nhận năm 2018)

Đây là cuốn sách cổ của dòng họ Nguyễn Huy (ở xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.

Bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh được biên soạn những năm 1765-1768 dưới triều vua Lê Hiển Tông, từ các tài liệu của các thế hệ đi trước, đồng thời bổ sung các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

“Hoàng hoa sứ trình đồ” vẽ lại bản đồ đi sứ từ biên giới Việt-Trung qua các châu, phủ, huyện, dịch trạm tới điểm cuối là huyện Tân Thành, Bắc Kinh; ghi chú rõ ràng về quá trình đi sứ: thời gian và địa điểm qua các nơi dừng nghỉ theo lộ trình thủy bộ chiều đi và chiều về; ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ; chiều dài của mỗi dịch trạm, chiều dài toàn bộ đường thủy bộ đi sứ; cấu trúc, thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh; cùng các ghi chép tỉ mỉ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người, và nghi lễ ngoại giao khi qua các địa phương Trung Quốc và Việt Nam.

“Hoàng hoa sứ trình đồ” hiện là bản sao chép tay duy nhất do con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu; là tác phẩm quý hiếm và độc đáo, có giá trị nhiều mặt: địa lý, lịch sử, chính trị, ngoại giao, văn hóa, phong tục, nghệ thuật... đồng thời chứa nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa từ giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVIII.

Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (được công nhận năm 2022)

Đây là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm, với số lượng lớn, gồm 78 bia ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm).

Nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX.

“Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như "Đại Nam Nhất Thống chí", "Đại Nam Thực lục", "Đại Nam dư địa chí ước biên"…

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943) (được công nhận năm 2022)

“Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943)” là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng, 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán, chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943.

Văn bản có giá trị nguyên gốc, độc bản, nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan… đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách, nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như “Đại Việt sử ký tục biên”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”; cũng như qua các sách khảo cứu như "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, "Nghệ An ký" của Bùi Dương Lịch.

Theo báo Đại đoàn kết

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kể chuyện lịch sử thời 4.0

Kể chuyện lịch sử thời 4.0

Với sự phát triển của mạng xã hội, thời gian qua các nhà sáng tạo nội dung đã sản xuất ra nhiều kênh, clip giới thiệu về đề tài lịch sử. Ở đó, những dấu ấn lịch sử của dân tộc được tái hiện một cách sinh động, thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là giới trẻ.

Lần đầu tiên tổ chức "Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" ở nước ngoài

Lần đầu tiên tổ chức "Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" ở nước ngoài

Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ I năm 2024 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp vào ngày 13/9. Sự kiện sẽ tạo cầu nối, hội tụ các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh ở nước ngoài, người nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Ẩm thực Việt Nam trên những lá bài

Ẩm thực Việt Nam trên những lá bài

Thế giới ẩm thực Việt Nam vốn rất đa dạng và nổi tiếng. Ấn tượng hơn nữa khi xuất hiện trên các lá bài Măm tarot, những món ăn, đồ uống trở nên vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, khi được giải thích cặn kẽ qua minh họa bằng hình ảnh cuốn hút.

Hoạt động xuất bản 'khát' nhân lực chất lượng

Hoạt động xuất bản 'khát' nhân lực chất lượng

“Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” là chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức tại Hà Nội.

Cần có luật riêng cho làng nghề phát triển

Cần có luật riêng cho làng nghề phát triển

Cần có một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng để phát huy làng nghề trong thời gian tới. Đây là chia sẻ của ông Trịnh Quốc Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

Khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển

Khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển

Tối 6/9, tại Stockholm, Thụy Điển, nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển, Bộ VHTTDL phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển nhằm quảng bá giá trị, tinh hoa văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế nói chung và người dân Thụy Điển nói riêng.

Kiều bào - sứ giả lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt

Kiều bào - sứ giả lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt

Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng. Không chỉ vậy, mỗi người Việt Nam ở nước ngoài còn là một sứ giả để lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Chuyển động cùng nhạc kịch

Chuyển động cùng nhạc kịch

Nhạc kịch đang được “phủ sóng” rộng rãi từ sân khấu cho đến trường học. Ở đó, cùng với việc “Việt hóa” các tác phẩm của nước ngoài, liên kết với nhà hát quốc tế… thì việc khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống đang giúp loại hình sân khấu này có thêm sức hút, đặc biệt là với khán giả trẻ.

Bộ Văn hóa đề nghị không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém

Bộ Văn hóa đề nghị không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tiếp tục yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội; yêu cầu Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm tổ chức lễ hội trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

fbytzltw