
Ông Giàng A Thống năm nay đã 70 tuổi. Dù tuổi cao, ông vẫn miệt mài làm đàn môi. Bàn tay ông chai sần vì năm tháng tỉ mỉ khía, mài, gọt, uốn từng thanh đồng vàng để làm lưỡi gà thật chuẩn.
Niềm đam mê đàn môi của ông bắt nguồn từ thời trai trẻ. Đến nay, ông đã làm đàn môi được 40 năm. Ông chia sẻ làm đàn môi không khó nhưng để thổi hay thì người làm đàn phải có tâm và có tình.

“Hồi còn trẻ, đi đâu tôi cũng mang đàn môi theo người. Đó là “tiếng gọi” người thương trong đêm hội, là cách giãi bày nỗi lòng khi chưa dám ngỏ lời…”, ông Thống kể lại.
Mỗi ngày ông làm được 6 đến 7 chiếc đàn môi. Ông làm đàn không làm vì mục đích kinh tế mà chỉ muốn giữ tiếng đàn Mông không bị mai một. Không chỉ tự tay làm đàn môi mà ông còn dạy cho con cháu cách làm loại nhạc cụ này. Bất kỳ ai muốn học, ông đều sẵn sàng chỉ dạy vì ông quan niệm giữ được nghề này là giữ hồn dân tộc Mông.
Hiện nay, ông Thống là người duy nhất trong xã còn theo nghề làm đàn môi. Cấp ủy, chính quyền xã Sín Chéng luôn động viên ông Thống truyền dạy nghề cho các thế hệ mai sau; đồng thời, đưa các hoạt động biểu diễn nhạc cụ dân gian vào các hoạt động tập thể của trường học, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương.
Mỗi khi chợ phiên hay lễ hội truyền thống, ông Thống lại mang đàn môi ra thổi. Tiếng đàn vang lên ấm áp, sâu lắng, thu hút rất nhiều người, gợi nhớ những câu chuyện tình ngày trước.

Xã Sín Chéng không chỉ có núi cao, ruộng bậc thang, nơi đây còn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa Mông. Ông Giàng A Thống là người góp phần duy trì và phát huy văn hóa dân tộc. Tiếng đàn môi không chỉ là tiếng nhạc, mà còn là biểu tượng của tình yêu, của bản sắc và sự nối tiếp của các thế hệ người Mông.