Cuốn sách “Bác là Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2025, là một công trình tuyển chọn công phu các câu chuyện lịch sử tiêu biểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Với lòng kính yêu sâu sắc dành cho Bác Hồ, tác giả Lương Văn Phú đã tiếp cận một cách riêng biệt khi chọn lọc và sử dụng các tư liệu cả chữ viết và hình ảnh một cách chân thực, chính xác để xây dựng chân dung Bác Hồ sống động, gần gũi, kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố chuyên sâu và phổ cập. Các tư liệu được trình bày mạch lạc, dẫn dắt giản dị, tự nhiên đã góp phần soi sáng hình ảnh Bác từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công.
Với nhiều độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ chưa có nhiều cơ hội tiếp cận tư liệu lịch sử, cuốn sách “Bác là Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2025 thực sự là một món quà quý giá. Tác phẩm tập hợp những câu chuyện tiêu biểu nhất trong hành trình hoạt động cách mạng của Bác – những câu chuyện từng được công bố rộng rãi và gây xúc động mạnh mẽ.
Sách gồm có chín chủ đề chính, mỗi chủ đề gồm nhiều câu chuyện sống động chi tiết miêu tả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác ở từng giai đoạn khác nhau: Việt Nam - Nơi Bác sinh ra; Quê hương, gia đình, tuổi thơ; Nguyễn Tất Thành - Người xứng đáng được trao trọn niềm tin; Tầm nhìn và trải nghiệm năm châu, bốn biển; Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin; Trên đất nước Lênin; Đường về Tổ quốc; Người sáng lập Đảng; Tháng Tám 1945 ở Hà Nội.
Ngoài ra, sách còn có hai phần phụ lục kể về những người bạn quý, những người luôn kính trọng và ngưỡng mộ tài năng, nhân cách của Bác.
Sinh ra trong một làng quê giàu truyền thống yêu nước, Hồ Chí Minh từ nhỏ đã được người cha - cụ Nguyễn Sinh Sắc - ươm mầm và vun đắp tinh thần dân tộc. Trước cảnh nước mất nhà tan, khi bao cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước bị dập tắt trong biển máu, Người đã sớm hình thành ý tưởng ra nước ngoài tìm đường cứu nước: “Với thói quen suy nghĩ triệt để. Anh quyết định phải đi đến tận cùng bản chất vấn đề. Phải đi đến chính cái nơi phát sinh ra điều trái ngược đó: nước Pháp xa xôi, bí ẩn đầy hấp dẫn và đầy hiểm nguy” (Nguyễn Tất Thành - Người xứng đáng được trao trọn niềm tin).
Hành trình bôn ba nơi đất khách của Bác cũng đầy gian khổ. Vừa lao động kiếm sống, Bác vừa không ngừng tự học hỏi, tích lũy tri thức. Khi có cơ hội, Người tới nhiều nước để tìm hiểu về tổ chức xã hội và mô hình quản trị: “Đến Pháp, tìm hiểu nước Pháp là mục đích chính của Nguyễn Tất Thành. Mới dừng chân một thời gian ngắn, gặp dịp thuận lợi Anh đi Mỹ, đi Anh tìm hiểu thêm trước khi quay về Pháp” (Đến nước Anh học tiếng Anh), “Ngoài mấy tiếng đi làm, ngoài viết báo, dự các cuộc mít tinh, diễn thuyết, đi thư viện,… Nguyễn còn dành thì giờ cùng “Hội du lịch” thăm các nước Đức, Italia, Thụy Sỹ,.. làm giàu thêm kho tàng kiến văn, tri thức của mình” (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin).
Trong thời gian hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác luôn bị mật thám Pháp và các thế lực phản động theo dõi, đe dọa, thậm chí tìm cách mua chuộc. Thế nhưng tinh thần của Người vẫn vững vàng, bản lĩnh không lay chuyển. Đối diện với kẻ thù Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ vững tinh thần cách mạng và ứng biến linh hoạt “Nói đến đó, Xarô nét mặt hầm hầm, hai tay nắm lại và làm bộ như đang bẻ một vật gì cứng rắn, ngụ ý đe doạ sẽ tiêu diệt hết những người cách mạng Việt Nam.
Mặc cho Xarô trợn mắt, bặm môi ra oai phách lác, anh Nguyễn vẫn bình tĩnh, thái độ ung dung, trên môi thoáng một nụ cười. Bắt gặp nụ cười đó, Xarô đâm cụt hứng, vừa bực mình, vừa lo sợ. Đợi Xarô dứt lời, anh Nguyễn hỏi: “Ngài nói xong rồi chứ?”.
Thấy dọa nạt không ăn thua, Xarô đổi giọng ôn tồn nói: “Chúng tôi rất thích những thanh niên chí khí như ông. Có chí khí là tốt, nhưng cần phải ‘thức thời’ mới được. Ồ này! Khi nào ông có gì cần, tôi luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ ông. Tuy nay chúng ta chưa quen biết nhau, ông không nên khách sáo.”
Anh Nguyễn từ tốn nói: “Cảm ơn ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời này là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… Chào ngài ở lại, tôi xin phép ra về” (Ba lần đối mặt với trùm thực dân Anbe Xarô).
Sau khi đọc Luận cương của Lê nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã nhận ra đây là con đường cứu nước của dân tộc “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin). Tại Đại hội Tua năm 1920, Người đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III. “ Từ giờ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản, là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam” (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin).
Khi ở Liên Xô, Người đã sớm ấp ủ ước mơ thành lập một Đảng Cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam “Giữa Mátxcơva, hoài bão lập một Đảng Cộng sản để lãnh đạo cách mạng ở Tổ quốc mình vẫn ngày đêm nung nấu tâm trí anh Nguyễn. Anh đã thấy đã đến lúc để hành động… Chúng tôi phải làm sao nhanh chóng xây dựng được ở Đông Dương một Đảng Cộng sản. Tôi cho rằng điều kiện khách quan cho phép làm được việc đó” (Bốn phương đồng chí).
Nhận nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản, năm 1924, người đã sang Quảng Châu (Trung Quốc) và mở các khóa huấn luyện chính trị cho những thanh niên yêu nước có tinh thần cách mạng “Trước mặt các anh - những hạt giống đỏ đầu tiên của Việt Nam do ông Nguyễn gieo mầm - là Tổ quốc, là mùa xuân của những hạt giống nảy mầm, mùa của những chồi non đâm cành, bén rễ”. (Huệ quần y xã).
Năm 1930, trước yêu cầu của cách mạng cần có một chính đảng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vì vậy yêu cầu thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước đang trở nên cấp thiết. Chính trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Ái Quốc là người thực hiện sứ mệnh lịch sử này. “Chúng ta phải đoàn kết giai cấp, đoàn kết toàn dân, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Để đạt mục ích ấy phải thống nhất tổ chức. Nhân danh Quốc tế Cộng sản, tôi đề nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản chân chính, thống nhất, các đồng chí có đồng ý không? Tất cả mọi người giơ tay biểu quyết” (Người sáng lập Đảng). Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ngày 19-8-1945, sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và các tỉnh khác thành công. Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc “Tuyên ngôn Độc lập báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới, thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do (Tuyên ngôn Độc lập: Sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại).
Dù đối diện với muôn vàn thử thách, gian nan, ở bất cứ hoàn cảnh nào, Người vẫn luôn là tấm gương của bản lĩnh cách mạng, tầm nhìn xa rộng và đạo đức sáng ngời. Chính vì thế, dù ở nơi đâu, Người cũng được nhân dân yêu thương, chở che.
Qua từng trang sách Bác là Hồ Chí Minh, độc giả sẽ theo dấu chân Bác, chứng kiến những hy sinh, gian khổ mà Người đã vượt qua, để đến ngày đất nước giành được độc lập, tự do. Với sự kết hợp của các tư liệu lịch sử và tài liệu mới, nhiều hình ảnh minh họa. Cuốn sách đã khắc họa một cách sinh động, chân thực hình tượng Hồ Chí Minh - người lãnh đạo vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm không chỉ là một nghiên cứu lịch sử, mà còn là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những công lao vĩ đại mà Bác đã dành cho dân tộc.
Sách được trình bày trang trọng và ấn tượng với khổ 24 x 24 cm, in bốn màu trên chất liệu giấy tốt có bìa cứng bao quanh, thuận tiện cho bạn đọc sử dụng và tra cứu.