
Dự án khởi động từ tháng 3/2024, do một nhóm hơn 10 bạn trẻ ở độ tuổi 20 đến 30, cùng chung niềm yêu thích và mối quan tâm sâu sắc với thực hiện. Không ồn ào, hào nhoáng, “Xin chào Việt Nam” âm thầm từng bước kiến tạo một không gian tiếp cận văn hóa gần gũi, sáng tạo và mang tính truyền cảm hứng rõ rệt.
Anh Phạm Đức Long, Giám đốc sản xuất của dự án chia sẻ: Chúng tôi tin rằng những giá trị văn hóa truyền thống là thứ định hình nên bản sắc và con người Việt Nam, đó là cách nghĩ, cách sống, cách chúng ta ứng xử và giao tiếp với thế giới. Chính vì thế, chúng tôi lựa chọn quay trở về với các giá trị ấy để lý giải về con người Việt Nam trong chiều sâu của lịch sử và bản sắc.
Dự án này xây dựng một hệ sinh thái nội dung mang tính gắn kết, đa dạng; trong đó các nhóm nội dung lịch sử, văn hóa-di sản, ẩm thực- được thiết kế để bổ trợ lẫn nhau, nhằm tạo nên trải nghiệm toàn diện cho người xem. Các câu chuyện lịch sử được kể lại bằng cách tiếp cận mới mẻ, sinh động, giúp người trẻ cảm thấy gần gũi và dễ tiếp cận hơn với tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Mảng văn hóa-di sản là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của dự án với nhiều video đầu tư công phu, khai thác những loại hình như chèo, tuồng, múa rối… được thể hiện bằng góc nhìn trẻ trung nhưng đầy tôn trọng. Bên cạnh đó, các nội dung về ẩm thực, du lịch cũng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị qua những thước phim chân thực tại các điểm đến độc đáo, những món ăn đặc sắc gắn với bản sắc vùng, miền.
Dự án “Xin chào Việt Nam” tiếp cận công chúng trên nhiều nền tảng với nhiều hình thức để mang lại hiệu quả tốt nhất, đặc biệt là qua không gian số như website, Facebook, TikTok, Instagram, YouTube, Threads… Chính nhờ cách tiếp cận gần gũi và có chiều sâu, các sản phẩm truyền thông đầy sáng tạo của dự án nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Nhiều bạn trẻ vốn không quan tâm đến nghệ thuật truyền thống đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Bạn Trần Đức Thuận (tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Mình vốn không quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, nhưng một lần vô tình xem clip biến hình nhân vật chèo trên TikTok đã phải dừng lại xem đến cuối. Từ đó, mình bắt đầu theo dõi fanpage, đọc các bài viết và thấy tự hào về những giá trị di sản của dân tộc”.
Anh Phạm Đức Long cho biết thêm, điều quan trọng nhất trong cách làm của dự án là luôn bắt đầu từ chiều sâu thông tin, tìm về bản chất. Mỗi nội dung đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, có tham vấn từ các tổ chức chính thống để bảo đảm tính chính xác và giữ gìn những giá trị “lề lối, lòng bản” của văn hóa dân tộc. Dự án cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều nghệ sĩ truyền thống. Nghệ sĩ Ưu tú Đào Tuấn Hải, Nhà hát Chèo Việt Nam nhận xét: “Tôi ấn tượng với sự cầu thị và nghiêm túc của các bạn trẻ trong dự án. Các bạn biết cách làm cho nó gần gũi, sinh động và hấp dẫn hơn với công chúng trẻ”.
Tác động từ những sản phẩm truyền thông của dự án không chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức. Theo anh Long, lượng khán giả đến với các buổi diễn nghệ thuật đã tăng lên đáng kể. Từ báo cáo của các nhà hát cho thấy, có nhà hát trước đây chỉ biểu diễn một vở mỗi tháng, sau khi kết hợp cùng dự án nay đã tăng lên ba đến bốn vở. Tỷ lệ khán giả tăng từ 30% đến hàng trăm phần trăm.
Một minh chứng rõ rệt cho hiệu ứng lan tỏa ấy là sự hợp tác giữa “Xin chào Việt Nam” với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bà Lê Cẩm Nhung, Trưởng phòng Truyền thông-Đối ngoại của bảo tàng cho biết: “Nhằm đa dạng hóa hình thức quảng bá và thu hút giới trẻ, chúng tôi quyết định kết hợp với “Xin chào Việt Nam”. Các video như “Bảo tàng Phụ nữ-Chuyện chưa kể”, “Giải mã 3 hiện vật đặc biệt”, “Bí ẩn quả thông trên nắp hầm chữ A”, Chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân”... đã thu hút hàng trăm nghìn lượt thích, hàng nghìn lượt tương tác và chia sẻ. Qua đó, lượng khách đến với bảo tàng và muốn trải nghiệm các chương trình ngày một nhiều hơn (tăng 20% so với trước đây).
Nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng, dự án “Xin chào Việt Nam” đang lên kế hoạch phát triển các chuyên mục nội dung bằng tiếng Anh.