
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc là tập hợp các tiêu chí, nhằm đo lường và đánh giá về mức độ hài lòng của các thành viên gia đình, đối với các yếu tố nền tảng như: sự gắn kết trong quan hệ gia đình, điều kiện vật chất, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, môi trường sống và vị thế của gia đình với dòng họ, cộng đồng, xã hội. Các tiêu chí trong Bộ chỉ số được lượng hóa thông qua thang điểm, có trọng số cụ thể và có thể áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Theo Quyết định số 2514/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt và tổ chức thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc, việc triển khai thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của thành viên gia đình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc; đánh giá mức độ hài lòng của gia đình đối với các yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Đồng thời đề xuất giải pháp, chính sách xây dựng gia đình hạnh phúc; Đánh giá tính khả thi, đề xuất giải pháp hoàn thiện và triển khai áp dụng chính thức Bộ chỉ số trên phạm vi cả nước.
Bộ chỉ số sẽ được thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng lựa chọn 1 phường và 1 xã để tiến hành thí điểm Bộ chỉ số.
Các nội dung, nhiệm vụ thực hiện bao gồm: Chuẩn bị tổ chức thí điểm Bộ chỉ số; Lựa chọn địa bàn tổ chức thực hiện thí điểm Bộ chỉ số; Tập huấn, tuyên truyền việc thí điểm Bộ chỉ số; Khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại địa bàn thí điểm về các tiêu chí tác động đến hạnh phúc gia đình của Bộ chỉ số; Kiểm tra, tổng kết hoạt động thí điểm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các hoạt động triển khai thí điểm Bộ chỉ số được tổ chức thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch; tài liệu hướng dẫn triển khai thí điểm phải bao quát, đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với đông đảo người dân; đảm bảo tính bền vững, liên tục trong quá trình thực hiện; có đánh giá định kỳ, điều chỉnh phù hợp.