LCĐT - Ngày 10/6/2021, UBND tỉnh vừa có văn bản số 2503/UBND - NLN về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 vào địa bàn tỉnh.
Theo thông tin của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2014 đến nay, chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm, sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi. Tỉnh Lào Cai có đường biên giới dài, các hoạt động giao lưu thương mại, phương tiện, người qua lại, đặc biệt chim hoang dã có thể nhiễm mầm bệnh, nên nguy cơ chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh là rất cao.
Hộ chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm. |
Để chủ động ngăn chặn nguy cơ chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng,chống dịch cúm gia cầm theo Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh; văn bản số 178/UBND-NLN ngày 15/01/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và kiểm soát vận chuyển lợn qua biên giới; văn bản số 544/UBND-NLN ngày 09/02/2021 của UBND tỉnh về việc tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:
Cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch cúm trên đàn gia cầm, không để lây lan ra diện rộng; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, khai báo dịch bệnh kịp thời; thường xuyên rà soát, thống kê đàn gia cầm đến tuổi tiêm phòng để tiến hành tiêm phòng bổ sung; quản lý, kiểm tra các chợ, điểm buôn bán, tập kết, giết mổ gia cầm… Trường hợp phát hiện, bắt giữ gia cầm nhập lậu, nghi ngờ nhập lậu tiến hành xử lý nghiêm và lấy mẫu gửi xét nghiệm.
Đối với các huyện, thành phố có đường biên giới cần thông tin, tuyên truyền, nhất là đối với những người dân giáp đường biên, thường xuyên qua lại khu vực biên giới và người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8, không tham gia vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, kể cả hàng cho, biếu, tặng...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch, xử lý hạn chế tới mức thấp nhất việc gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển trái phép trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường; phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật lây truyền sang người.
Sở Y tế tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm đề cách ly, điều trị kịp thời.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tăng cường đôn đốc kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 vào địa bàn tỉnh.