LCĐT - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bá Viện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bát Xát trước thông tin người dân một số xã biên giới thuộc huyện Bát Xát khai thác cây thông đất bán cho tư thương Trung Quốc.
Theo thông tin từ một số trang mạng, những ngày gần đây, tại khu vực các xã Ngải Thầu, Y Tý (Bát Xát), người dân thường xuyên vào rừng đào cây được cho là dương xỉ hoặc thông đất để bán qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Giá bán cây tươi khoảng 10 - 15 nghìn đồng/kg. Kèm theo thông tin là hình ảnh nhiều bao tải lớn loại cây này được xếp chồng chất chờ xuất bán. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì việc khai thác số lượng lớn như vậy sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tại khu vực trên và gây nguy cơ xói mòn.
![]() |
Loại cây mà người dân khai thác có tên dân gian là bòng bong. |
Trước luồng thông tin trên, trao đổi với phóng viên Báo Lào Cai, ông Nguyễn Bá Viện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bát Xát khẳng định, có sự việc người dân vào rừng khai thác như một số trang mạng đưa tin. Tuy nhiên, sau khi đơn vị tiến hành kiểm tra thực tế thì xác định loại cây được người dân khai thác có tên gọi dân gian là bòng bong chứ không phải dương xỉ hay thông đất. Cây cao chừng 20 – 25 cm, tán rộng 10 – 15 cm, rễ nông, bám trên đá hoặc cây gỗ mục, nằm rải rác ở khắp nơi, do vậy không có chuyện người dân đào bới khai thác. Ông Viện cũng đồng thời khẳng định, mức độ ảnh hưởng tới thảm thực vật rừng là rất nhỏ, gần như không có. Tuy nhiên, trước việc khai thác ồ ạt của người dân, đơn vị cũng tiến hành tuyên truyền, cấm người dân nhổ bán, việc khai thác lâm sản phải được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.
Trước đó, vào khoảng giữa năm 2014, sự việc tương tự cũng diễn ra tại một số xã thuộc huyện Bắc Hà, người dân khai thác rêu đá tràn lan để bán cho tư thương Trung Quốc. Một điểm tương đồng đáng lo ngại trong cả hai sự việc trên đó là hầu hết người dân đều không biết những loại cây này được thương lái thu mua với mục đích gì và có ảnh hưởng gì đến môi trường hay không.
Hiện, các ngành chức năng đã khuyến cáo người dân không nên tự ý vào rừng khai thác lâm sản để bán khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.