Bát Xát là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất sau hoàn lưu bão số 3 Yagi. Các sự cố này không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn làm hư hỏng nghiêm trọng hạ tầng giao thông. Trước thực tế đó, địa phương đang nỗ lực khôi phục các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là tìm bãi đổ thải phù hợp, vừa đáp ứng tiến độ thi công vừa đảm bảo môi trường.
Thiên tai đã tạo ra lượng đất đá khổng lồ từ các điểm sạt lở, khiến việc tìm kiếm và bố trí bãi đổ thải tại nhiều địa phương đang trở thành thách thức lớn. Tại các địa phương vùng thấp, đất đá từ ta luy dương, những triền đồi cao sạt xuống đường giao thông trong khi các địa phương chưa có bãi đổ thải, không gian hạn chế bởi nhiều khu dân cư khiến việc lựa chọn vị trí đổ thải gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các bãi thải không được quản lý tốt có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, như làm tắc nghẽn dòng chảy hoặc tạo ra nguy cơ sạt lở mới.
Sau thiên tai, các tuyến đường tỉnh trên địa bàn huyện Bát Xát có 175,3 km bị ảnh hưởng và hư hỏng. Các đơn vị bảo trì của tỉnh đã khắc phục đảm bảo giao thông trên các tuyến. Tuy nhiên, một số tuyến đường tỉnh do khối lượng sạt lở lớn, nên đơn vị bảo trì đang phải tập trung khắc phục.
Đối với các tuyến đường huyện có 104,3 km bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Sạt lở taluy dương ước khoảng 163.100 m3, sạt lở ta luy âm trên 500 m. Hiện các tuyến đường đã được khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 để ô tô đi lại thuận tiện đến trung tâm các xã.
Với các tuyến đường xã, sau thiên tai, các tuyến bị sạt lở, hư hỏng mặt đường, cống, rãnh và công trình phụ trợ. Sạt lở taluy dương ước 280.325 m3; sạt lở taluy âm 8.332 m. Ngoài ra, nhiều công trình cầu, ngầm, cống... cũng bị hư hỏng nặng. Ngay trong tháng 9, các đơn vị đã cơ bản khôi phục đảm bảo giao thông bước 1. Hiện các đơn vị, địa phương đang trong giai đoạn khôi phục bước 2 để các phương tiện có thể di chuyển thuận lợi hơn.
Trong quá trình khôi phục hạ tầng giao thông, khối lượng đất đá bị sạt cần phải xử lý rất lớn. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Bát Xát hiện chưa có bãi đổ thải. Trước tình thế đó, các cơ quan có liên quan và chính quyền các địa phương đã áp dụng cách tiếp cận linh hoạt trong việc tìm kiếm và quản lý bãi đổ thải. Chính quyền phối hợp với các đơn vị thi công khảo sát kỹ lưỡng từng khu vực, sử dụng đất đá bị sạt từ ta luy dương xuống mặt đường như một nguồn vật liệu san lấp cho các điểm bị sạt ở phần ta luy âm.
Bên cạnh đó, với địa hình núi cao, nhiều vị trí cạnh đường đang trũng thấp cũng được người dân phối hợp, kiến nghị đổ đất đá để tôn tạo, đảm bảo kiên cố hơn. Đơn vị thi công cũng đã ưu tiên chọn những nơi ít ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân cư để đổ thải. Các điểm đổ thải tạm thời đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công; địa phương cũng yêu cầu đơn vị thi công có biện pháp gia cố nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh sạt lở hoặc ô nhiễm.
Ông Tẩn Láo Ú, Chủ tịch UBND xã Mường Vi cho biết: Sau thiên tai, hạ tầng giao thông trên địa bàn xã bị ảnh hưởng nặng nề, khối lượng đất đá sạt lở rất lớn. Tuy nhiên, với đặc thù là địa phương vùng cao, khi đất đá bị sạt lở từ ta luy dương xuống mặt đường thì các đơn vị thi công, người dân đã hót dọn, san lấp vào phía taluy âm ở những vị trí trũng, thấp, sạt lở. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, trao đổi với người dân để có sự đồng thuận, nhiều hộ đồng tình với việc đổ phần đất sạt lên nương của gia đình, sau đó san gạt lại và canh tác trên đất đó bình thường.
Bên cạnh đó, các đơn vị thi công cũng được yêu cầu phân loại đất đá, tận dụng vật liệu xây dựng phù hợp để giảm tải lượng thải. Việc tái sử dụng đất đá từ thiên tai vào các công trình giao thông không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường. Các điểm đổ thải gần khu dân cư được giám sát chặt chẽ, đồng thời thực hiện các biện pháp che chắn, trồng cây xanh phục hồi môi trường sau khi hoàn thành thi công. Chính quyền địa phương cũng tổ chức các buổi họp với người dân để lắng nghe ý kiến, giải đáp thắc mắc và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Thanh Trình, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Bát Xát cho biết: Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng nặng nề sau thiên tai, các đơn vị, địa phương đang căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện việc khôi phục. Hiện nay, địa phương đang trong giai đoạn khôi phục bước 2 nhưng trước mắt, khối lượng công việc cũng như đòi hỏi về thời gian, kinh phí rất lớn. Theo kinh nghiệm cá nhân, có lẽ phải cần ít nhất 3 năm nữa mới có thể khôi phục xong bước 3 (khôi phục về hiện trạng ban đầu).
Trên địa bàn huyện hiện chưa có bãi đổ thải tập trung nên chúng tôi đã linh hoạt thực hiện các giải pháp để tìm điểm đổ thải. Yếu tố bất lợi về địa hình dốc trong tình huống này được coi là một trong những thuận lợi để giải quyết vấn đề và đến thời điểm này, người dân các địa phương đều đồng tình ủng hộ, tiến độ thi công được đảm bảo.
Cũng theo ông Trình, phương án linh hoạt hiện nay là giải pháp “tình thế”, theo đúng quy định, việc quy hoạch bãi đổ thải tập trung cũng đang được địa phương khảo sát để có thể xây dựng trong tương lai.
Với cách tiếp cận chủ động và linh hoạt, Bát Xát không chỉ đảm bảo tiến độ khôi phục giao thông mà còn hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Những nỗ lực này không chỉ giúp đời sống của người dân sớm trở lại bình thường mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai, đồng thời tăng khả năng chống chịu của địa phương trước thách thức của thiên tai.