Cây giang sinh trưởng rải rác trong 8.600 ha rừng phòng hộ của huyện Bảo Yên nhưng tập trung nhiều ở các xã Việt Tiến, Xuân Thượng, Phúc Khánh...
Việc thu hái và chế biến là giang mới xuất hiện tại Bảo Yên vài năm gần đây. Thời gian thu hái diễn ra từ khoảng tháng 5 đến tháng 10 trong năm, do vậy nhiều hộ dân tranh thủ làm nhanh mùa màng để lên rừng hái lá.
Trước đây, người dân hái lá, sau đó bán cho tư thương, còn hiện nay trên địa bàn huyện đã có một số cơ sở chế biến quy mô nhỏ. Các cơ sở chế biến ở Bảo Yên chủ yếu là sơ chế rồi bán cho các đầu mối khác ở tỉnh Phú Thọ trước khi xuất đi nước ngoài. Mỗi cơ sở này vào mùa cao điểm có thể giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông thôn.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên, người dân vào rừng hái lá giang làm gia tăng nguy cơ cháy rừng và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái rừng phòng hộ.
Thực tế, đầu ra cho sản phẩm này chưa thực sự bền vững nên huyện cũng chưa khuyến khích phát triển rộng.
Tuy nhiên, đây là một loại lâm sản ngoài gỗ và không có quy định cấm khai thác vì thế để phát triển bền vững, kiểm lâm Bảo Yên đang tham mưu cho huyện các giải pháp quản lý khai thác và các cơ sở chế biến, từ đó đảm bảo lợi ích cho người dân, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.
Hiện nay, mô hình này đang phát triển tại 5 tỉnh: Phú Thọ, Hoà Bình, Yên Bái, Tuyên Quang.
Tại tỉnh lân cận là Hà Giang, việc khai thác và chế biến lá giang đã có từ hơn 10 năm nay.