Đến chợ phiên Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương), không khó để thấy tình trạng các tiểu thương bày bán các loại giống lúa có bao bì in bằng chữ nước ngoài (Trung Quốc). Điều đáng nói, các giống lúa này được bày bán công khai, chiếm tỷ lệ cao tại các gian hàng, nhưng bao bì không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam. Người dân chọn mua các giống lúa này chủ yếu dựa vào “niềm tin” thông qua hình ảnh in trên bao bì, bằng cảm quan và những lời giới thiệu của tiểu thương.
Anh Lù A Sáng, người dân xã Lùng Khấu Nhin cho biết: Mặc dù không biết chữ nước ngoài nhưng tôi vẫn chọn mua 2 kg giống về cấy thử vì hình ảnh trên bao bì đẹp. Người bán giới thiệu đây là giống lúa mới, năng suất cao, gạo dẻo, cơm ngon, nếu chất lượng tốt tôi sẽ cấy hết diện tích ruộng ở vụ lúa năm sau.
Theo tiết lộ của một tiểu thương kinh doanh giống cây trồng tại chợ Lùng Khấu Nhin, các giống lúa này được nhập về từ bên kia biên giới theo đường “xách tay”, không thông qua đơn vị nhập khẩu chính thức.
Tương tự, tại chợ phiên Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) cũng có hàng chục gian hàng bày bán các loại giống lúa có bao bì in bằng chữ Trung Quốc và không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam. Các gian hàng bày bán công khai, có gian bày bán riêng nhưng cũng có nhiều gian để lẫn với những túi giống lúa được sản xuất trong nước.
Trong quá trình tác nghiệp tại chợ, khi tiếp cận các gian bán giống cây trồng để chụp ảnh những túi giống lúa có bao bì bằng chữ Trung Quốc, chúng tôi thường xuyên bị các tiểu thương “đuổi khéo” hoặc yêu cầu không chụp ảnh gian hàng của họ.
Ngoài chợ Lùng Khấu Nhin và chợ Cán Cấu, theo khảo sát của phóng viên Báo Lào Cai, ở nhiều chợ phiên vùng cao khác (nhất là chợ thuộc các xã khu vực biên giới), tình trạng bày bán tràn lan các loại giống lúa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được các cấp, ngành, địa phương xử lý dứt điểm.
Việc mua bán, sử dụng các loại giống lúa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là với diện tích lúa 1 vụ vùng cao. Trong đó, lớn nhất là nguy cơ mất mùa, giảm năng suất, sản lượng, bởi các giống lúa này chưa được khảo nghiệm, chứng minh tính phù hợp với điều kiện sản xuất trên địa bàn tỉnh. Các giống lúa không được nhập khẩu chính ngạch, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng chưa được công nhận lưu hành nên có nguy cơ không đảm bảo chất lượng để sản xuất.
Theo ông Ngô Quyền, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, việc kiểm soát, xử lý tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có giống lúa, đầu tiên thuộc về ban quản lý các chợ và chính quyền sở tại. Chi cục sẽ phối hợp với thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan siết chặt công tác quản lý giống; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý tình trạng bán giống lúa và các giống cây trồng khác trên địa bàn tỉnh.