Nét đẹp ngày tết Zứ Dò Dò của người Hà Nhì

LCĐT - Zứ Dò Dò còn gọi là tết Thiếu nhi của người Hà Nhì năm nay diễn ra vào ngày mùng 9 tháng Giêng, sau khi bà con tổ chức lễ cấm bản, lễ cúng rừng và cúng nguồn nước đầu năm mới.

Tết Zứ Dò Dò được đồng bào Hà Nhì tổ chức theo từng thôn. Đến ngày Tết, mỗi gia đình cử 1 người đàn ông đại diện cho gia đình tham gia lễ cúng chung của thôn, với điều kiện là người đàn ông đó đang có vợ và trong 3 năm gia đình không có tang.

Đồng bào Hà Nhì thôn Nhìu Cồ San, xã Y Tý (Bát Xát) tổ chức Tết Zứ Dò Dò.
Đồng bào Hà Nhì thôn Nhìu Cồ San, xã Y Tý (Bát Xát) tổ chức Tết Zứ Dò Dò.

Ngay từ sáng sớm ngày tổ chức tết Zứ Dò Dò, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm lễ vật mang đến nhà trưởng thôn hoặc trưởng họ để tham gia lễ cúng. Lễ vật gồm nhiều món ăn được chế biến từ các nông sản do bà con làm ra, như rượu, thịt lợn, thịt gà, trứng, lạc, bí đỏ, su su, xôi nếp…

Tại khoảng sân trước nhà trưởng thôn hoặc trưởng họ, 2 thầy cúng chuẩn bị bàn thờ để tổ chức lễ cúng chung cho cả thôn. Mỗi gia đình khi bê mâm lễ vật đến sẽ mang theo một vài cành hoa, như hoa đào, hoa lê, hoa cải… cắm trong ống tre bày ở bàn thờ chung. 2 thầy cúng lấy ở mâm lễ vật của mình mỗi món ăn một ít đặt vào tờ lá chuối và rót rượu dâng cúng thần linh, cầu thần linh và tổ tiên phù hộ trẻ em trong thôn luôn khỏe mạnh, bệnh tật tiêu trừ, học tập tiến bộ, các gia đình ấm no, hạnh phúc, thôn bản bình an. Sau phần lễ của thầy cúng, đại diện các gia đình cũng dâng lễ vật tại bàn thờ chung và cầu những điều tốt đẹp đến với trẻ em và gia đình. Trong lễ cúng tết Zứ Dò Dò, phụ nữ Hà Nhì mặc những bộ trang phục đẹp nhất và được tham gia phần lễ cúng cuối cùng.

Phần vui nhất trong tết Zứ Dò Dò là buổi liên hoan của thôn diễn ra sau lễ cúng. Đàn ông Hà Nhì mỗi người một mâm ngồi ăn ở ngoài sân, còn phụ nữ và trẻ em ngồi ăn ở trong nhà trưởng thôn hoặc trưởng họ, nơi tổ chức tết. Ngay cạnh bếp lửa nơi ấm áp là một mâm cơm riêng dành cho những mẹ già cao tuổi nhất thôn. Trong buổi liên hoan, các con, các cháu phải đến mâm này để “chào mâm”, gọi tên, mời rượu, cảm ơn những người bà, người mẹ đã có công sinh thành và xin tha thứ cho những lỗi lầm đã mắc phải. Trong buổi liên hoan này, những vị khách không phải dân tộc Hà Nhì cũng được mời giao lưu cùng. Mọi người cùng ăn cơm, uống rượu, nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, dạy bảo con cháu.

Trẻ em Hà Nhì được bố mẹ cho những giỏ trứng nhuộm màu mang đi chơi Tết.
Trẻ em Hà Nhì được bố mẹ cho những giỏ trứng nhuộm màu mang đi chơi Tết.

Ngày tết Thiếu nhi Zứ Dò Dò, trẻ em Hà Nhì được bố mẹ mặc cho những bộ trang phục đẹp nhất để đi liên hoan và đi chơi. Mỗi em được mẹ luộc cho những quả trứng gà nhuộm màu xanh, màu đỏ cho vào chiếc giỏ trúc xinh xinh mang đi chơi, khi đói có thể ăn. Trong dịp tết này, đồng bào Hà Nhì tổ chức hát dân ca và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như nhảy que, nhảy dây, kéo co…

Tết Thiếu nhi Zứ Dò Dò của người Hà Nhì mang nhiều ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thể hiện sự quan tâm tới trẻ và truyền thống giáo dục thế hệ trẻ luôn biết ơn ông bà, tổ tiên, dòng họ. Qua ngày tết Thiếu nhi, các gia đình trong cộng đồng gắn bó chặt chẽ với nhau hơn, cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dạy bảo con cháu luôn ngoan ngoãn, khỏe mạnh, học tập tiến bộ.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngọt ngào hương cau

Ngọt ngào hương cau

Hoa cau thường nở vào cuối Xuân đầu Hạ hằng năm. Hoa cau trắng ngà mang vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ và hương thơm dịu ngọt, ngan ngát theo làn gió thổi, len lỏi vào từng con ngõ, đường quê, mảnh vườn... 

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” sẽ diễn ra từ ngày 25 - 29/6 tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng (thành phố Hải Phòng) với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát hiện vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao.

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi" là nhan đề một bài viết được hãng thông tấn Prensa Latina đăng tải ngày 7/5 nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta.

fb yt zl tw