LCĐT - Không thể phủ nhận sự hữu ích của điện thoại thông minh (smartphone) trong xã hội hiện đại vì ngoài chức năng nghe - gọi, nó gần như một chiếc máy tính thu nhỏ, tích hợp nhiều chức năng như tra cứu tài liệu, cập nhật thông tin và giải trí… Vậy nhưng khi những chiếc điện thoại thông minh dần trở thành “bạn thân” của các bạn học sinh phổ thông thì cũng phát sinh nhiều hệ lụy.
>> Bài cuối: Cần có giải pháp quản lý phù hợp
|
Ngược thời gian về giai đoạn đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động giáo dục trực tiếp phải tạm dừng. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo tiến độ, nhiều trường học đã triển khai học trực tuyến qua các phần mềm trên mạng internet với sự hỗ trợ đắc lực của laptop, máy tính bảng và đặc biệt là smartphone. Nhiều gia đình dù điều kiện kinh tế khó khăn cũng cố gắng “chắt bóp” đầu tư mua điện thoại thông minh để phục vụ việc học tập của con em mình. Thậm chí đã có nhiều chương trình quyên góp từ thiện để mua điện thoại thông minh tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương để các em có phương tiện học trực tuyến. Vì thế các em học sinh, kể cả ở cấp tiểu học và THCS có thêm “người bạn mới” là những chiếc điện thoại thông minh.
![]() |
Học sinh sử dụng điện thoại thông minh vào mạng xã hội. |
Thế nhưng, bước vào năm học mới 2022 - 2023, khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đến trường học trực tiếp bình thường thì những chiếc điện thoại thông minh được phụ huynh đầu tư cho con em mình cũng dần thay đổi chức năng. Nếu như trước đây, điện thoại thông minh chủ yếu phục vụ việc học trực tuyến thì nay chức năng đó là phụ, phần lớn học sinh sử dụng phục vụ cho mục đích giải trí. Học sinh cấp tiểu học, THCS đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, việc được sử dụng điện thoại thông minh một cách tự do không khác gì con dao hai lưỡi, bởi khi các em dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại cho mục đích chơi game, giải trí và vào mạng xã hội… thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý và tâm trí, khiến việc học tập cũng chịu nhiều tác động.
![]() |
Học sinh sử dụng điện thoại thông minh để giải trí. |
Em Đ.G.B, học sinh lớp 9, Trường THCS Kim Tân (thành phố Lào Cai) chia sẻ: Năm học trước, học sinh THCS chúng em, ai cũng được sử dụng điện thoại thông minh để học trực tuyến. Năm học này, không phải học trực tuyến nữa thì chúng em sử dụng điện thoại để chơi game, chat với bạn bè, xem video, nghe nhạc… Việc sử dụng điện thoại để phục vụ học tập cũng có nhưng không đáng kể, chủ yếu là tải các bài tập cô giáo giao trên nhóm lớp về để làm bài.
|
Không chỉ các trường học trên địa bàn thành phố Lào Cai, mà hầu hết các trường trung học tại các địa phương trong tỉnh, việc học sinh có điện thoại di động hiện rất phổ biến. Dù các trường đều có quy định về việc cấm sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng nhiều học sinh vẫn thường xuyên sử dụng smartphone trong những giờ ra chơi, các tiết học ngoại khóa…
Điện thoại thông minh phổ biến trong trường học, nhiều chuyện “dở khóc dở cười” đã xảy ra. Khi giáo viên giảng bài, một số học sinh cúi mặt vào ngăn bàn lướt web, nhắn tin… không tập trung nghe giảng, sự kết nối giữa thầy - trò bị đứt gãy. Giờ ra chơi, thay vì tham gia hoạt động, giao tiếp với bạn cùng lớp, cùng trường, không ít học sinh “túm 5, tụm 3” ở một góc xem điện thoại, chỉ trỏ các đoạn video giải trí hoặc chơi game… Dần dà, các em tự thu mình, đắm chìm trong không gian “ảo” với nhiều nội dung phong phú nhưng cũng không ít độc hại.
Cô giáo Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Tân cho biết: Các em học sinh sử dụng điện thoại thông minh vào rất nhiều mục đích như chơi game, lướt web, bán hàng online, chat với bạn bè, thậm chí chia sẻ, phát tán những nội dung không lành mạnh…, phục vụ học tập rất ít. Việc lạm dụng smartphone khiến các em mất nhiều thời gian, không tập trung vào học tập và cũng phát sinh nhiều vấn đề khi giao tiếp trên không gian mạng mà phụ huynh, giáo viên không thể kiểm soát được.
“Từ đầu năm học đến nay, chúng tôi đã phải xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh gây mâu thuẫn với nhau, thậm chí có vụ phải mời cả phụ huynh lên làm việc vì các em đã đưa những hình ảnh, video clip đánh cãi nhau lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến học sinh khác” - cô giáo Phạm Thị Thu Hương nói.
|
Việc học sinh mang điện thoại thông minh đến trường đang trở thành vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm, thậm chí là đề tài tranh luận của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Có không ít thầy cô giáo ủng hộ cho học sinh sử dụng smartphone và khai thác thế mạnh từ những thiết bị công nghệ để tăng khả năng tiếp cận thông tin, nhưng cũng có nhiều giáo viên cho rằng điều đó là không thực sự cần thiết. Cùng với đó, phụ huynh cũng chia thành 2 cực quan điểm, có người đồng tình cho con mình dùng điện thoại để tiện liên lạc và các thầy cô giao bài tập, nhưng cũng có phụ huynh không đồng ý với điều này.
Chị Lù Thị Nguyệt ở thị trấn Mường Khương chia sẻ: Khi nhà trường tổ chức học trực tuyến, tôi đã mua cho con mình một chiếc điện thoại thông minh để tiện cho việc học tâp. Hiện nay, con đã học trực tiếp trên lớp nhưng vẫn sử dụng điện thoại để vừa phục vụ việc học, vừa giải trí. Nhiều lúc thấy cháu mải xem điện thoại, tôi từng có ý định thu lại nhưng con lại lấy lí do có những môn cô giáo yêu cầu phải sử dụng điện thoại thông minh. Tôi chỉ mong nhà trường có quy định rõ về việc dùng điện thoại để các cháu không lấy lí do mang điện thoại đến trường nữa.
![]() |
Học sinh tham gia các hoạt động vui chơi ngoài giờ trong trường học. |
Có ai trong số các phụ huynh dám chắc rằng, khi cho con em mình sử dụng điện thoại thông minh thì những thông tin, hình ảnh các em tìm kiếm, truy cập trên mạng internet đều là thông tin “sạch”, bổ ích. Trong khi một thực tế đang diễn ra là nhiều học sinh sử dụng điện thoại thông minh copy tài liệu, những bài văn mẫu, kiến thức địa lý, lịch sử, tìm kiếm kết quả bài tập tiếng Anh, toán… để hoàn thành nhiệm vụ học tập mà thầy cô giao một cách nhanh chóng, dễ dàng. Điều đó làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh mà ngành giáo dục đang nỗ lực hướng tới. Không chỉ vậy, trong thời gian rảnh rỗi, các em lại thường sử dụng điện thoại thông minh để chơi game, lên mạng xã hội. Nhiều video, hình ảnh học sinh đánh nhau, chê bai, bóc mẽ nhau phản cảm được đăng tải, chia sẻ, bình luận trên không gian mạng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực…
Vì vậy, nỗi lo ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông minh đến giới trẻ cần được nhìn nhận một cách khách quan, khoa học và nhận được sự quan tâm đúng mức của phụ huynh cũng như giáo viên.
Bài cuối: Cần có giải pháp quản lý phù hợp