LCĐT - Ở các địa phương trong tỉnh, hiện có một số công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt đã xuống cấp, thậm chí, có công trình hư hỏng từ lâu mà vẫn chưa được sửa chữa. Vấn đề này cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, cùng người dân.
Hệ thống công trình thủy lợi xã Mường Vi, huyện Bát Xát có quy mô tưới cho 135 ha lúa vụ xuân, nhưng có 1 công trình đập đầu mối ở thôn Cửa Cải luôn trong tình trạng thiếu nước tưới cho khoảng 5 ha lúa. Đập chắn đầu nguồn nước xây bề thế và rất kiên cố, nhưng chỉ chứa được rất ít nước, bởi lẽ khi chảy chưa tới đập, nước đã thấm hết vào các hố cát - tơ. Để có nguồn nước tưới cho cánh đồng lúa mới cấy, Trưởng thôn Lò Văn Lài nảy ra sáng kiến xin chính quyền xã hỗ trợ tiền mua bạt ni lông để phủ lên miệng hố cát - tơ, rồi huy động người dân trong thôn xúc bùn, san lấp kín bạt ni lông. Cứ như vậy, nước mới chảy qua hệ thống mương bê tông vào ruộng, nhưng bạt ni lông chỉ được thời gian ngắn lại hư hỏng, nên không đảm bảo nước tưới thường xuyên cho cánh đồng lúa. Chỉ khi UBND xã và người dân có ý kiến, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mới cử cán bộ đến kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi của đơn vị này.
![]() |
Công trình đập đầu mối thôn Cửa Cải, xã Mường Vi (Bát Xát) phải lót bạt ni lông để chứa nước. |
Trong khi vấn đề trên chưa được giải quyết triệt để, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Pa Cheo về hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã. Toàn xã Pa Cheo hiện có 7 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, cung cấp nước cho 383 hộ dân. Do các công trình xây dựng đã lâu, phải hứng chịu nhiều trận mưa lũ, nên hiện chỉ có công trình cấp nước sinh hoạt thôn Hát Nắng có nước đều; công trình thôn Pờ Sì Ngài và Tả Lèng hoạt động đạt 60% công suất, còn lại 3 công trình ở thôn Kim Sảng Hồ, Séo Pa Cheo, Tả Pa Cheo hoạt động kém hiệu quả và công trình ở thôn Sảng Hồ đã bị hư hỏng hoàn toàn, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của 45 hộ trong thôn.
Rời huyện Bát Xát, chúng tôi tiếp tục đến xã Trung Chải, huyện Sa Pa tìm hiểu việc cấp nước sinh hoạt và khai thác hệ thống công trình thủy lợi theo phản ánh của người dân là có nhiều vấn đề chưa bảo đảm. Qua tìm hiểu của chúng tôi, công trình cấp nước tập trung ở thôn Chu Lìn 2 có bể chứa 40 m³, nghiệm thu tháng 9/2015 và đang trong thời gian bảo hành, nhưng do chưa có tổ quản lý vận hành, nên việc vận hành cấp nước đều do các hộ tự mở van lấy nước, những hộ ở cuối nguồn thường không có nước phục vụ sinh hoạt và công trình đang xuống cấp. Ngoài ra, hệ thống công trình thủy lợi ở đây đang bị hỏng và không có nước. Trong đó, đường ống dẫn nước của công trình thủy lợi Chu Lìn 1 bị hư hỏng nặng, không có nước tưới cho 50 ha lúa; công trình ở thôn Móng Sến bị gãy kênh bê tông, trong tình trạng “đắp chiếu”, buộc người dân phải làm máng tạm bằng thân cây vầu dẫn nước vào ruộng (khoảng 40 ha). Tiếp nhận ý kiến phản ánh của chính quyền xã, huyện đã cử tổ công tác xuống kiểm tra, nhưng từ đó đến nay đã hơn 3 tháng, vẫn chưa có bất cứ hình thức tu sửa nào.
Tìm hiểu vấn đề thủy lợi, chúng tôi biết thêm, đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh xây dựng được 1.133 công trình thủy lợi, trong đó có 97 hồ chứa nhỏ dưới 1 triệu m³ nước; 1.034 hệ thống đập dâng kênh dẫn tự chảy;
2 hệ thống trạm bơm điện nhỏ và hiện có trên 40 hồ chứa hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 986 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 219 công trình được đánh giá hoạt động, nhưng kém hiệu quả. Cụ thể, huyện Bắc Hà có 33 công trình; huyện Bảo Thắng 10 công trình; huyện Bát Xát 29 công trình; huyện Sa Pa 36 công trình; huyện Văn Bàn 21 công trình; huyện Si Ma Cai 27 công trình; huyện Mường Khương 38 công trình; huyện Bảo Yên 24 công trình; thành phố Lào Cai có 1 công trình. Điều đáng nói, có 30 công trình không hoạt động, trong đó: Huyện Sa Pa có 17 công trình, huyện Si Ma Cai có 3 công trình; huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Bảo Yên, mỗi huyện có 2 công trình; huyện Bảo Thắng, Văn Bàn mỗi huyện có 1 công trình.
Nguyên nhân khiến hệ thống thủy lợi xuống cấp là do được đầu tư qua nhiều thời kỳ, có nhiều chủ đầu tư và đơn vị thi công khác nhau, nên hầu hết công trình không có hồ sơ quản lý. Hệ thống thủy lợi phân tán, đầu tư không đồng bộ dẫn đến khả năng chống chịu thiên tai, mưa, lũ không cao. Đội ngũ cán bộ thủy nông cơ sở hầu hết chưa qua đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý. Một số tổ chức còn lúng túng trong quản lý tài chính do không có kế toán và tư cách pháp nhân. Thêm vào đó là do không thu được thủy lợi phí, nên hệ thống quản lý thủy nông không hình thành rõ nét và không có báo cáo thường xuyên về hoạt động tài chính. Các công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động do không thu được tiền nước hoặc thu mức thấp không đủ chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình...
Song song với đó, nguyên nhân khiến hệ thống cấp nước sinh hoạt xuống cấp là khi công trình xây dựng xong, chủ đầu tư bàn giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng, trong khi đó ý thức của một số người dân còn kém, họ tự ý đấu nối theo kiểu mạnh ai nấy làm, “cha chung không ai khóc”, khiến công trình nhanh hư hỏng. Mặt khác, việc làm các công trình đường giao thông liên thôn và liên gia cũng “góp phần” làm hư hỏng ống dẫn nước chung, khi có sự cố thì không ai báo cáo để sửa chữa kịp thời, dẫn đến hư hỏng nặng, không có vốn khắc phục. Việc đầu tư ban đầu còn nhiều bất cập, nhiều công trình cấp nước được xây dựng suất đầu tư thấp, dàn trải nên thường áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế ứng với tần suất đảm bảo của hệ thống cấp nước thấp. Nhiều hệ thống đầu tư chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung xây dựng phần đầu mối, chưa chú trọng đầu tư hoàn chỉnh khép kín đường ống, vòi nước và đồng hồ đo đếm sử dụng nước...