Nhà kinh tế Céline Piton thuộc Ngân hàng Quốc gia Bỉ nhận định công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)sẽ là đòn bẩy giúp kích thích tăng trưởng năng suất ở các nền kinh tế. Đồng quan điểm, ông Thierry Geerts, Giám đốc điều hành (CEO) chi nhánh của công ty công nghệ Google tại Bỉ và Luxembourg, cho rằng rủi ro lớn nhất đối với các công ty là không nắm bắt được cơ hội của AI.
Theo ông Geerts, nếu thế giới nắm bắt được những cơ hội do công nghệ mới mang lại, cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ khiến nhân loại hạnh phúc hơn, cho phép mọi người có nhiều thời gian hơn để rèn luyện khả năng sáng tạo và nâng cao kiến thức của mình. Bên cạnh đó, các công nghệ mới, tiên tiến sẽ giúp cải thiện việc chăm sóc sức khỏe, theo như chia sẻ của ông Geerts.
Là nhà lãnh đạo của Google tại Bỉ và và Luxembourg từ hơn 10 năm nay, tầm nhìn của ông Geerts rõ ràng không có gì đáng ngạc nhiên. Cùng với một số doanh nghiệp hàng đầu khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và Internet, Google đã vươn xa trong các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI. Công ty AI Google DeepMind thuộc sở hữu của Google mới đây đã ra mắt Gemini, một mô hình AI tạo sinh mới, có khả năng cạnh tranh với sự nổi lên của các ứng dụng AI tạo sinh nổi tiếng, như ChatGPT của OpenAI.
Một bước nhảy vọt về năng suất
Trong hội thảo trực tuyến do Diễn đàn Tài chính Bỉ diễn ra mới đây về những tác động kinh tế mà AI mang lại, chuyên gia Geerts nhấn mạnh: “Những công ty không nắm bắt cơ hội của AI sẽ bị thiệt thòi. Trong xã hội công nghệ, AI đã bị coi là công nghệ cũ và không ai có thể lập trình mà không có AI nữa. AI cho phép chúng ta đạt được bước nhảy vọt về năng suất mà chúng ta chưa từng trải qua trong một thời gian dài. Nền kinh tế Bỉ, vốn đang phải đối mặt với tình trạng dân số già đi và chi tiêu y tế ngày càng tăng, phải được hưởng lợi từ điều này”.
Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về lợi ích của AI và tính khả thi của việc kiểm soát và điều chỉnh AI, nhưng các nhà kinh tế cho rằng công nghệ này sẽ đóng vai trò ngày càng tăng trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều lĩnh vực ứng dụng AI trong hoạt động, khiến nó trở thành một công nghệ phổ biến - giống như động cơ hơi nước, điện và máy tính trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Nhà kinh tế học Céline Piton nói: “AI có khả năng tạo ra sự tăng trưởng về năng suất trong thời gian dài và cải thiện tiêu chuẩn của chúng ta về cuộc sống”.
Trong một bài báo xuất bản hồi tháng 6/2023 trên Tạp chí Kinh tế BNB, chuyên gia Piton đã xem xét sự phát triển của AI ở Bỉ và những tác động kinh tế của công nghệ này. Bà nhấn mạnh, ngay cả khi Bỉ không phải là quốc gia có thế mạnh về AI, thì những nỗ lực đáng kể vẫn đang được thực hiện, để đảm bảo rằng nước này sẽ trở thành một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực AI. Cho dù đó là trung tâm nghiên cứu, tài trợ khởi nghiệp, chương trình giáo dục hay hoạt động công nghiệp, Bỉ đang thực hiện các bước để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ AI quốc gia.
Hiện Bỉ đứng thứ tám trong số 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) về độ phổ cập AI, với chỉ hơn 10% công ty sử dụng ít nhất một công nghệ AI. Chuyên gia Piton lưu ý: “Tỷ lệ này vẫn còn kém xa so với quốc gia có thành tích tốt nhất, cụ thể là Đan Mạch, với tỷ lệ 24%, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của châu Âu là 8%”. Tuy nhiên, sự chênh lệch rất lớn tùy thuộc vào quy mô của các công ty.
Trong khi AI có tiềm năng cách mạng hóa các ngành công nghiệp khác nhau và góp phần tăng cường tăng trưởng năng suất bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ, phân tích dữ liệu lớn và giải phóng thời gian của người lao động để tập trung vào những việc khác, chuyên gia Piton lưu ý rằng tăng trưởng năng suất ở nhiều nước phát triển vẫn chậm trong những năm gần đây. Bà nói: “Điều này đặt ra câu hỏi liệu AI có đạt được hiệu quả như mong muốn hay không, hay liệu các yếu tố khác có phát huy tác dụng không?”.
Hiện tại, trong mọi trường hợp, bất kỳ mức tăng năng suất nào do sử dụng AI đều không xuất hiện trong số liệu thống kê. Tuy nhiên, ở cấp độ kinh tế vi mô, nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng dường như có mối tương quan tích cực giữa mức độ số hóa của các doanh nghiệp và tăng trưởng năng suất của họ.
Tác động của AI đến thị trường lao động thậm chí còn phức tạp hơn, khi những tranh cãi xung quanh vấn đề liệu AI có gây ra tình trạng thất nghiệp tăng hay không chưa có lời giải đáp rõ ràng. Nhà lãnh đạo Google tại Bỉ, Thierry Geerts, chia sẻ: “Kể từ khi tôi làm việc tại Google, mọi người luôn nói với tôi rằng AI, vốn đã hiện diện trong nhiều năm thông qua các giải pháp khác nhau của chúng tôi, sẽ phá hủy việc làm. Nhưng chưa bao giờ ở Bỉ có nhiều lao động được tuyển dụng như hiện nay”. Ông Geerts tin rằng AI sẽ tạo ra “nhiều việc làm hơn, nhưng trên hết là các công việc khác” đến mức nó sẽ buộc mọi lĩnh vực của xã hội, như giáo dục, thương mại, công nghiệp…, phải tái sáng tạo.
Nhưng bà Piton lại tỏ ra thận trọng hơn khi đề cập đến vấn đề việc làm. Bà cho rằng: “Nghiên cứu cho thấy mức độ việc làm vẫn ổn định mặc dù đã áp dụng AI. Thay vì sa thải liên quan đến AI, các công ty đã sắp xếp lại các vị trí công việc, hoặc quản lý các điều chỉnh bằng cách giảm tốc độ tuyển dụng và nghỉ việc”. Điều quan trọng là khi cố gắng cân bằng điểm cộng và điểm trừ, thì rõ ràng “con người và AI có những điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt có thể kết hợp để đạt được kết quả tối ưu”.
Cuối cùng, không giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, tác động của AI cũng sẽ ảnh hưởng đến những người lao động có tay nghề cao.