LCĐT - Ðã 50 năm trôi qua kể từ khi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhưng ký ức về trận đánh mở màn tại Khe Sanh vẫn làm cựu chiến binh Lê Văn Cổn (trong ảnh), ở tổ 34, phường Phố Mới (thành phố Lào Cai) hồi hộp. Đôi tay chậm rãi lần giở mớ giấy tờ ngả màu thời gian - những kỷ vật còn lại của một thời lửa đạn, ông kể cho tôi nghe về tháng ngày chiến đấu của cuộc đời mình.
![]() |
Buổi sáng đầu thu năm 1965, chàng thanh niên Lê Văn Cổn tạm biệt quê hương Ân Thi (Hưng Yên) lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào đơn vị C16- E66 - F304. Sau thời gian huấn luyện và chiến đấu tại Thanh Hóa, năm 1967, ông cùng đồng đội bắt đầu hành quân vào chiến trường miền Nam.
Giờ đây đã 82 tuổi, cùng những ảnh hưởng của sức ép bom đạn năm xưa làm trí nhớ giảm sút nhiều, ông Cổn chỉ nhớ đó là một ngày đầu năm 1968, đơn vị ông được lệnh hành quân tấn công chốt chặn của địch thuộc thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Hành quân từ 14 giờ, đến nửa đêm, trận chiến bắt đầu. Những loạt đạn, pháo các loại xé tan màn đêm, cấp tập hướng về phía mục tiêu. Bốt địch chốc lát chìm trong biển lửa. Là pháo thủ số 3, chịu trách nhiệm nạp đạn cho pháo ĐKZ82, ông Cổn không nhớ đôi tay mình đã nạp bao nhiêu quả đạn. Mọi động tác khẩn trương, nhanh gọn, mọi người đều cùng một suy nghĩ, đó là nhanh chóng phá tan chốt chặn của địch. Cứ thế, sau nhiều giờ tấn công, đến gần sáng, bốt địch thất thủ, trận đánh thắng lợi. Trong trận đánh đó, khẩu đội pháo ĐKZ82 của ông có hai chiến sỹ tên Tỵ (pháo thủ số 6) và tên Vòng (pháo thủ số 5) cùng quê Thanh Hóa đã hy sinh. Ông Cổn nghẹn ngào: Lúc ra đi, khẩu đội pháo còn đủ 12, thế mà lúc chiến thắng chỉ còn 10 người. Hai đồng chí đó đều là tân binh, mới được bổ sung vài tháng trước…
Sau trận đánh trên, đơn vị ông Cổn chốt lại tại Hướng Hóa một thời gian, rồi tiếp tục hành quân sang phía bắc Đường 9, bao vây sân bay Tà Cơn. Ông Cổn kể: Đơn vị tôi là đại đội pháo mặt đất, có nhiệm vụ trợ chiến cho bộ binh, ém quân ở vòng ngoài, nhưng cũng rất gần sân bay Tà Cơn. Trong lần đánh điểm cao 832 ở Làng Vây, tôi bị sức ép của đạn pháo hất văng vào bụi tre, lúc tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trong bệnh xá. Hậu quả lần bị sức ép đó vẫn theo tôi cho đến nay, thi thoảng trái gió, trở trời, rất khó thở, cùng với di chứng chất độc da cam, làm trí nhớ giảm sút nhiều.
Đến đầu năm 1970, ông Cổn xuất ngũ, trở về quê hương lao động, sản xuất. Năm 1984, ông và gia đình rời Hưng Yên lên sinh sống tại Soi Mười, phường Phố Mới cho đến nay. Trở về cuộc sống thường nhật, cựu chiến binh Lê Văn Cổn vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được rèn luyện trong chiến tranh, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với những thành tích trong chiến đấu, tháng 5/1968, ông Cổn được Trung đoàn 66 tặng Giấy khen hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch xuân hè 1968; gia đình ông được Chính phủ tặng Bảng gia đình vẻ vang năm 1968; năm 1997, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Năm tháng đi qua, giờ đây đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, mỗi lần nhớ lại những trận đánh cùng gương mặt bao đồng đội đã hy sinh, cựu chiến binh Lê Văn Cổn không giấu nổi xúc động: Thời đó gian khổ, mà vinh quang. Đồng chí, đồng đội chia nhau từng điếu thuốc, cùng động viên nhau vượt qua gian nguy lửa đạn, chiến đấu giải phóng quê hương. Năm tháng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành một phần ký ức mà ông không thể nào quên.