
Năm 1965, khi vừa tròn 22 tuổi, ông Vũ Đình Hường (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau huấn luyện, ông vào miền Nam, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Ngãi. Sau thời gian chiến đấu, ông bị thương. Năm 1971, ông Hường ra miền Bắc điều dưỡng và chuyển ngành công tác tại Lào Cai. Là thương binh và mang trong mình di chứng của chất độc hóa học, hiện nay do tuổi cao, sức yếu, ông Hường thường xuyên đau ốm, phải đến điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Gần đây, ông còn bị tai biến mạch máu não, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động. Cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh từ lâu đã quen với hình ảnh người bệnh với màu áo xanh luôn từ tốn và có tinh thần lạc quan. Ông Hường chia sẻ: “Đến bệnh viện điều trị, tôi rất hài lòng. Cán bộ y tế nhiệt tình, tâm huyết, không chỉ tích cực điều trị mà còn thăm hỏi, động viên, quan tâm tôi rất nhiều”.
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã và đang chăm sóc, điều trị rất nhiều cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh như ông Hường. Những nỗ lực của đội ngũ y tế trong công tác chăm sóc, điều trị người có công là việc làm cụ thể với mong muốn có thể bù đắp phần nào mất mát, hy sinh mà thế hệ cha anh đã trải qua.
Trong số những người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh hiện nay cũng có những nữ bệnh nhân là dân công hỏa tuyến. Với chính sách nhân văn của Nhà nước, họ được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo diện người có công, được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trong phạm vi hưởng bảo hiểm y tế. Bà Lê Thị Sáng (thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên) là một trong số đó. Vừa kết thúc quá trình trị liệu bằng phương pháp châm cứu, bà Sáng vừa dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về quyết định tham gia dân công hỏa tuyến năm 1979 và quá trình 15 ngày đêm dốc sức gánh lương thực, mở đường. Ký ức hiện về như mới hôm qua khiến bà Sáng có phần xúc động. Đợt này, cơn đau lưng tái phát khiến bà khó khăn trong đi lại nên phải đến bệnh viện điều trị. Bà Sáng bộc bạch: “Sau 3 ngày được điều trị, tập phục hồi chức năng, tình trạng đau của tôi đã giảm rất nhiều. Cảm ơn các y bác sỹ đã tận tình điều trị và động viên tôi”.

Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã trở thành một trong những địa chỉ khám, điều trị uy tín đối với những người có công. Những bệnh nhân là cựu chiến binh đến khám, chữa bệnh thường có khiếm khuyết về chức năng vận động, lời nói, ngôn ngữ hoặc các khuyết tật đi kèm. Họ được khám sàng lọc, làm các xét nghiệm cận lâm sàng để bác sỹ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả trong hoạt động phục hồi chức năng, đồng thời được hướng dẫn tỉ mỉ chế độ dinh dưỡng và tập luyện, đáp ứng điều trị.
Bác sỹ Đỗ Minh Hoàn, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh khẳng định: Với tinh thần “tất cả vì người bệnh”, bệnh viện luôn tiếp đón, chăm sóc người bệnh, đặc biệt là người có công với điều kiện tốt nhất, đồng thời cung cấp những dịch vụ y tế chất lượng, kỹ thuật tiên tiến để giảm di chứng do chiến tranh để lại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công.
Ngoài chăm sóc y tế, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cũng chú trọng đến tâm lý người bệnh, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, động viên tinh thần người bệnh nói chung và người có công nói riêng. Tổ công tác xã hội của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã tổ chức những hoạt động gặp mặt vào các dịp kỷ niệm, tổ chức chương trình “Hát mãi khúc quân hành” để tri ân, trao quà và giao lưu văn nghệ, mang đến cho người có công niềm vui, nguồn động viên lớn lao về tinh thần.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người có công là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Năm 2024, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người có công, thân nhân người có công và người tham gia kháng chiến theo quy định. Đã có hơn 20.000 thẻ bảo hiểm y tế được cấp, đảm bảo 100% người có công được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định. Các cơ sở y tế đều thực hiện chế độ ưu tiên trong khám, chữa bệnh đối với người có công.
Cùng với đó, hằng năm, tỉnh Lào Cai quan tâm tổ chức các đợt điều dưỡng cho người có công. Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa (đi vào hoạt động năm 2012) với cơ sở vật chất hiện đại, người có công được chăm sóc sức khỏe, tham gia hoạt động văn hóa và được đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng viên và cán bộ, nhân viên y tế chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, theo dõi sát sao sức khỏe và tâm lý.

Chăm sóc sức khỏe người có công không chỉ là một chính sách an sinh, mà còn là sự nối dài truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Đây cũng không phải trách nhiệm của riêng ngành y tế mà là của toàn xã hội để có nhiều hơn nữa chương trình khám, chữa bệnh tình nguyện, thăm hỏi, tặng quà, trao hỗ trợ thiết bị y tế... mà người có công là đối tượng thụ hưởng.
Khi cộng đồng cùng chung tay trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người có công, những hạt mầm nhân ái sẽ được gieo trồng, lan tỏa để thế hệ trẻ được trao truyền lòng biết ơn, tiếp nối truyền thống yêu nước, xây dựng một xã hội nhân văn, nghĩa tình, nơi người có công luôn được trân trọng và chăm lo.