LCĐT - Cũng như chuối, dứa, cây cao su có mặt ở mảnh đất Bản Lầu từ những năm 2007 - 2008 từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và chủ yếu qua con đường nhập ngoại. Những người dân sang bên kia biên giới làm thuê đã học được kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau đó tự mua giống về trồng. Nhưng không giống như chuối, dứa nhanh cho thu hoạch, cây cao su phải mất khoảng 8 - 10 năm mới có thể thu hoạch mủ, từng ấy năm cũng là quãng thời gian chờ đợi, hy vọng và rồi thất vọng với người dân nơi đây.
Gia đình anh Thào Thắng đã chặt bỏ toàn bộ diện tích cao su làm củi. |
Bên hiên nhà anh Thào Thắng, thôn Cốc Phương vẫn còn những đống gỗ cao su, có cây đường kính tới 30 cm. Anh Thắng bảo, người của xưởng gỗ ở trung tâm xã chê không mua về làm ván bóc được nên sau khi chặt xong đồi cao su, gia đình anh đành mang về làm củi.
Anh Thắng là một trong những người đầu tiên ở thôn Cốc Phương đưa cao su về trồng thử từ năm 2008 - 2009, khi đó cây cao su được ví như cây nhả “vàng trắng”. Anh dành số vốn tích lũy được sau mấy vụ bán dứa mua gần 1.000 cây giống về trồng, tại thời điểm ấy giá mỗi cây cao su giống là 15.000 đồng. Cả tiền thuê nhân công đánh đường đồng mức trên đồi để trồng, chăm sóc 1,5 ha cao su, tính ra anh đã phải chi hơn 100 triệu đồng.
Không ít hộ khác ở Bản Lầu cũng mua giống cao su về trồng, bởi khi ấy giá mủ cao su cao (thời điểm năm 2007 là 21.000 đồng/kg), lại được khai thác nhiều năm, tính ra sẽ có giá trị hơn bất cứ loại cây nào khác trồng trên đất Bản Lầu. Chỉ sau vài năm, diện tích cây cao su ở Bản Lầu đã tăng lên gần 200 ha. Thế nhưng, sau gần 10 năm, khi cây cao su đến thời kỳ cho thu hoạch thì thị trường mủ cao su trở nên ảm đạm, giá mủ có lúc xuống dưới 10.000 đồng/kg. Một, hai năm đầu, một số hộ còn chịu khó cạo mủ bán, nhưng rồi tiền thu được không đủ để thuê nhân công và nhiều chi phí khác nên tất cả dừng không cạo mủ nữa.
Đến nay, đã 3 năm chờ đợi nhưng thị trường mủ cao su dường như bão hòa, giá xuống đến mức nếu thu hoạch thì cũng không đủ bù tiền thuê nhân công. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chuối, dứa ngày càng ổn định. Sau nhiều trăn trở, các hộ ở 2 thôn Cốc Phương, Na Lốc quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích trồng cao su để có đất trồng dứa.
Chị Thào Chinh, một hộ trồng cao su ở thôn Cốc Phương cho biết: Năm 2007, gia đình chị đầu tư thuê người đào hố trồng hơn 500 cây cao su. Ban đầu, chị thuê với giá 30.000 đồng/hố, tiền giống 15.000 đồng/cây, tiền công trồng 10.000 đồng/cây, cộng với tiền phân bón khiến tổng chi phí là hơn 30 triệu đồng. Sau gần 14 năm, mất bao công sức chăm sóc và hy vọng mà giờ không thể thu hoạch mủ để bán nên gia đình chị phải chặt bỏ. Nếu trồng dứa, chuối thì mỗi năm có thể thu về không dưới 100 triệu đồng. Vậy mà khi bán đồi cao su hơn 500 cây, gia đình chị Thào Chinh chỉ thu được 23 triệu đồng.
Thôn Cốc Phương có 17 hộ trồng cao su, nhà ít thì vài trăm cây, nhà nhiều gần 2.000 cây nhưng đến nay, các hộ đã phá bỏ gần hết. Những cây to được các xưởng gỗ mua cả đồi với giá vài trăm nghìn đồng 1 m3 gỗ, còn cây nhỏ chỉ để làm củi.
Nhiều diện tích cây cao su ở thôn Na Lốc 4 đã được chặt bỏ để trồng cây nông nghiệp khác. |
Kế bên thôn Cốc Phương, ở thôn Na Lốc 4, nhiều diện tích trồng cao su cũng đã bị đốn hạ, thay thế bằng cây dứa. Đi dọc đường vào thôn, trước cửa nhiều căn nhà, không khó nhận ra những cây cao su được chặt về làm củi. Trưởng thôn Sùng Hòa cho biết, Na Lốc 4 là thôn trồng cao su đầu tiên ở Bản Lầu, thôn hiện có hơn 15 ha. Sau hơn 10 năm trồng cao su, năm 2019, một số hộ đã thu hoạch mủ nhưng việc tiêu thụ ngày càng khó khăn, vì thế dù rất tiếc nhưng người dân cũng đành chặt bỏ. Cả thôn có 24 hộ trồng cao su thì quá nửa trong số đó đã chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng dứa, chuối.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn xã có gần 90 hộ ở 9/15 thôn trồng cao su với tổng diện tích 176 ha. Đầu năm 2021, nhiều hộ đã chặt bỏ cao su để chuyển đổi sang trồng cây khác. Nhìn bà con phá bỏ nhiều diện tích cao su đang độ tuổi cho thu hoạch mủ, chúng tôi rất xót xa nhưng không thể khuyên nông dân để lại bởi đến nay chưa thể tìm đầu ra ổn định cho mủ cao su.
Ông Kiên cũng khẳng định: Trước đây, do sản xuất chưa gắn với thị trường nên nông dân chủ yếu trồng cây nông, lâm nghiệp tự phát theo kiểu cứ thấy cây gì bên kia nước bạn trồng có hiệu quả thì trồng theo. Đây là vấn đề mà các cấp, các ngành cần quan tâm định hướng và xây dựng quy hoạch vùng trồng từng loại cây phù hợp.
Hình ảnh những đống củi cao su được xếp dọc đường vào các thôn trong xã Bản Lầu. |
Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ năm 2008 - 2017, hàng trăm hộ ở các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương… đã trồng hơn 300 ha cao su, ngoài ra nhiều hộ đã góp đất cùng doanh nghiệp trồng 234 ha. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 1.469 ha cây cao su đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Trong năm 2021 dự kiến có gần 300 ha cao su đến kỳ cho thu hoạch mủ. Vì nhiều nguyên nhân, như do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ suy giảm, giá mủ cao su thấp khiến người dân loay hoay không biết phải làm gì với cây cao su nên đành chặt bỏ để chuyển sang trồng cây khác.
Từ câu chuyện người dân Bản Lầu chặt bỏ cây cao su cho thấy, việc thay thế một loại cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao là điều dễ hiểu, thể hiện sự năng động của nông dân trong việc thích ứng với thị trường. Vấn đề ở đây là nếu như có sự định hướng của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương ngay từ đầu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm thì người dân sẽ không phải tự mò mẫm cũng như tránh được phần nào rủi ro.