Đến 23 giờ ngày 6-7 (giờ Việt Nam), thông tin trên trang mạng Kitco cho hay, giá vàng thế giới bán ra ở mức 1.369,40 USD/ounce, vượt mốc 1.350 USD/ounce - mức cao nhất trong 2 năm qua. Phillip Streible, chuyên gia cấp cao của Công ty R.J. O’Brien, có trụ sở tại Chicago (Mỹ), cho biết: “Nhu cầu đối với nơi trú ẩn an toàn ngày càng cao. Rất nhiều nhà đầu tư tin rằng việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục diễn ra trên toàn cầu”.
Lo từ Brexit, kinh tế Mỹ…
Giới phân tích nhận định, giá vàng tăng cao bởi nhu cầu lớn của các nhà đầu tư đối với kim loại quý, xem vàng là nơi trú ẩn an toàn do lo ngại những tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Tiếp tục nỗi lo mang tên Brexit sau khi Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đưa ra cảnh báo về những rủi ro cho nền kinh tế đảo quốc sương mù từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Chứng khoán châu Âu vì thế đã sụt giảm 1,5% dù trước đó 4 ngày đã có các mức tăng ấn tượng. Bất chấp kỳ vọng từ nhiều ngân hàng trung ương sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế để “bù đắp” sự suy giảm nếu Brexit được kích hoạt, các nhà đầu tư vẫn cảm thấy vô cùng bất an. Afshin Nabavi, chuyên gia thương mại của Công ty MKS, cho rằng, chính vì sự lo lắng của các nhà đầu tư mà thị trường vàng được hưởng lợi.
Nhà đầu tư đau đầu trước những tín hiệu kém tích cực của kinh tế thế giới. |
Thêm động lực đẩy giá vàng lên cao là thông báo từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi cơ quan này cho hay, do lạm phát thấp và triển vọng kinh tế của Mỹ chưa rõ ràng nên có thể chờ thêm trước khi nâng lãi suất. Các nhà đầu tư đang chờ biên bản cuộc họp ngày 14 và 15-6 vừa qua của FED được công bố trong ngày 6-7 (giờ địa phương) để xem có thể dự đoán gì về quan điểm của ngân hàng này trong vấn đề lãi suất. Ngoài ra, việc các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số S&P 500 về các doanh nghiệp lớn của Mỹ trong quý 2 năm nay có thể sụt giảm 5,3% làm dấy lên những lo ngại về sự “đuối sức” của kinh tế Mỹ như thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm 2008.
... đến tăng trưởng chậm ở Trung Quốc
Trong phiên giao dịch sáng 6-7, chỉ số CSI300 của Trung Quốc Đại lục giảm 0,3% trong khi chỉ số tổng hợp Shanghai Composite tại Thượng Hải mất 0,2%. Giám đốc Công ty KGI châu Á Ben Kwong nhận định, mối lo Brexit gia tăng và đồng bảng Anh giảm giá mạnh đã gây thêm áp lực giảm giá đồng NDT, kéo theo chứng khoán Trung Quốc giảm cả trên sàn giao dịch Thượng Hải và Hồng Công.
Trung Quốc cũng đang chứng kiến hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán tài sản do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đang ngày một yếu đi. Theo một số chuyên gia, tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể tác động đến các nước Đông Nam Á nhiều hơn so với là Brexit, vì nhiều nước láng giềng của Trung Quốc dựa vào hoạt động giao thương với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. GDP của Trung Quốc tăng 6,7% trong quý 1-2016, được cho là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo đánh giá của ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC, sự trì trệ này ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu của các nước trong khu vực. Nếu như trong thời kỳ 2000-2005, Mỹ và EU là lực đẩy quan trọng hơn cho sức tăng trưởng của xuất khẩu ở châu Á, thì ở giai đoạn 2006-2014, Trung Quốc lại có ảnh hưởng bao trùm.
Chính vì những yếu tố trên, nhiều chuyên gia kinh tế không đánh giá cao tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới. Và đây sẽ là lý do để nhiều nhà đầu tư thêm phần tin tưởng rằng vàng sẽ là nơi trú ẩn an toàn. Dự báo giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng và hướng tới mốc 1.400 USD/ounce như nhiều dự đoán đã từng được đưa ra.