Dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 160 (điểm đầu Km0 giao với Tỉnh lộ 153 tại Km4, điểm cuối Km11+221 tại khu vực đầu cầu Nậm Tôn cũ, chạy qua địa bàn 3 xã: Bảo Nhai, Cốc Lầu và Nậm Lúc, với tổng chiều dài 11,2 km) đảm bảo quy mô đường cấp V miền núi; xây dựng cầu Nậm Tôn mới bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với chiều rộng toàn cầu 8 m, chiều rộng xe chạy 7 m, chiều dài toàn cầu 151,56 m.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Lào Cai – chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến Tỉnh lộ 154 và 160 kết nối huyện Mường Khương và huyện Bắc Hà (gọi tắt là Dự án), đến nay công tác thống kê, khảo sát kiểm đếm các hộ dân bị ảnh hưởng do thi công dự án đã hoàn thành, với 109 hộ dân đã được thống kê, kiểm đếm (xã Cốc Lầu 104 hộ và xã Nậm Lúc 5 hộ), tổng giá trị bồi thường khoảng 8 tỷ đồng. Mặc dù chưa chi trả đền bù nhưng được sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân đã đồng thuận để nhà thầu triển khai thi công, hoàn thành được 7/10 km nền đường và 6,5 km móng đường. Tuy nhiên, do chậm phê duyệt phương án bồi thường chi trả tiền cho người dân, nên không có mặt bằng thi công, dẫn đến không những phần nền đường đắp chưa triển khai thi công được, mà cả một số đoạn đào nền đường có khối lượng tập trung cũng chưa triển khai được do phải dự trữ đất để đắp.
Ngoài ra, còn do phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch nên cũng ảnh hưởng đến việc triển khai, cụ thể: Quy hoạch khu dân cư Nậm Khắp Ngoài được UBND huyện Bắc Hà phê duyệt tại Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 25/3/2022. Theo yêu cầu, việc triển khai đoạn tuyến Tỉnh lộ 160 phải phù hợp với quy hoạch này. Do vậy, đoạn Km0 - Km0+500, Tỉnh lộ 160 chạy qua vùng quy hoạch cần được nắn chỉnh thành đoạn tuyến thẳng, có chiều rộng nền đường từ 13,5 đến 19,5 m, mặt đường rộng 7,5 m trong khi dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 160 được phê duyệt với quy mô nền đường được mở rộng 6,5 m trên cơ sở đường cũ và cầu Nậm Khắp (Km0+268). Để triển khai theo quy hoạch khu dân cư Nậm Khắp Ngoài sẽ phải di chuyển 8 hộ dân (phía bên phải tuyến).
Đối với xã Cốc Lầu, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 104 hộ, tuy nhiên mới có 61 hộ đủ thủ tục pháp lý để trình phê duyệt chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Các hộ còn lại cần phải làm rõ các căn cứ pháp lý, tránh khiếu kiện về sau. Cụ thể, một số hộ dân mua bán đất không làm thủ tục pháp lý về quản lý nhà nước (thỏa thuận mua bán dân sự giữa các cá nhân) đối với phần diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong công tác thu hồi, bồi thường do theo quy định phải thực hiện thu hồi đất cho hộ chính chủ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với xã Nậm Lúc, có 5 hộ bị ảnh hưởng đã được thống kê, kiểm đếm, chưa thực hiện công tác trình phê duyệt phương án bồi thường do chưa kiểm tra, nghiệm thu chất lượng sản phẩm là tờ bản đồ địa chính khu vực xã Nậm Lúc (công tác thẩm định được Sở Tài nguyên và Môi trường giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra nghiệm thu chất lượng sản phẩm tại văn bản thẩm định số 944/STNMT-CCĐ ngày 22/4/2022) nên chưa thực hiện được các thủ tục tiếp theo. Cùng với đó, một số vị trí chồng lấn giữa đất của hộ dân với đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện dẫn đến mất thời gian kiểm tra, xác minh và làm thủ tục điều chỉnh. Ngoài ra, còn vướng mắc như bồi thường tài sản ngoài phạm vi thu hồi đất nhưng bị ảnh hưởng, không sử dụng được cần phải được các đơn vị liên quan xác minh cụ thể.
Những vướng mắc về mặt bằng đã khiến tiến độ thi công bị chững lại, thậm chí gần như dừng hẳn, khiến nhà thầu phải di chuyển thiết bị đến công trường khác. Ông Bùi Văn Trọng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Hoàng Nguyên cho biết: Hiện đơn vị đã thi công được 4 km (70% khối lượng gói thầu), còn 1 km không thể triển khai do vướng mặt bằng. Nhà thầu đã báo cáo chủ đầu tư và đề nghị cho chuyển phương tiện, nhân lực để thi công dự án khác, khi nào có mặt bằng sẽ tổ chức thi công trở lại.
Ông Bùi Văn Trọng cũng cho biết thêm: Thực tế, 4 km đã thi công cũng vướng mắc mặt bằng, thi công theo kiểu “xôi đỗ”, khiến việc điều phối máy móc, thiết bị, đào đắp đất đá không thuận lợi, dẫn đến kéo dài thời gian và tăng chi phí thi công.
Nếu có mặt bằng “sạch”, thì đến thời điểm này, đơn vị chắc chắc hoàn thành công tác thi công toàn bộ 5 km và có thể bàn giao cho chủ đầu tư
Ông Nguyễn Sĩ Trọng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức cho hay, hiện doanh nghiệp chỉ duy trì vài đầu thiết bị cơ giới và số ít công nhân, nếu có mặt bằng thì sẽ tiến hành thi công, còn không thì sẽ tập kết tại công trường để chờ đợi. Hiện các cấu kiện bê tông đã được đúc và tập kết quanh công trường nhưng không thể lắp đặt vì không có mặt bằng.
Đặc biệt, công trình cầu Nậm Tôn đã hoàn thành phần cầu, nhưng đường dẫn vào cầu phía xã Nậm Lúc không thể triển khai thi công do chưa có mặt bằng, đó là nhà của hộ ông Đặng Văn Môn. Hộ ông Môn có 6 khẩu (mẹ ông Môn, vợ chồng ông Môn và 3 con), đã được thể hiện trong sổ hộ khẩu, ngoài ra còn có xác nhận của UBND xã Nậm Lúc và thực tế các thành viên đang sống trong ngôi nhà xây 1 tầng, có diện tích 112,868 m2. Gia đình làm nông nghiệp, có 2 lao động chính là vợ, chồng ông Môn. Tuy nhiên, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp đầu năm 2022 ghi cấp cho “ông Đặng Văn Môn” nên các cơ quan thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bắc Hà chỉ tính hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho cá nhân ông Môn (chỉ được hỗ trợ cho 1 khẩu), 5 khẩu còn lại không được hỗ trợ nên gia đình vẫn chưa đồng ý về phương án bồi thường và kiến nghị về chế độ hỗ trợ này.
“Nếu không giải phóng được mặt bằng liên quan đến hộ ông Đặng Văn Môn thì không thể thi công đường dẫn vào cầu, đồng nghĩa với việc cầu làm xong không thể đưa vào khai thác, dẫn đến giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư”, đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Lào Cai cho biết.
Được biết, huyện Bắc Hà rất kỳ vọng vào dự án, bởi sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, lâm sản của người dân “vựa quế” Bản Cái, Nậm Lúc, Cốc Lầu. Tuy nhiên, những vướng mắc về mặt bằng đang làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Chủ đầu tư dự án đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, các xã có dự án đi qua cùng vào cuộc với trách nhiệm cao nhất để tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, ủng hộ việc thống kê, kiểm đếm, xác định ranh giới giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do những vướng mắc liên quan đến pháp lý, sự chồng chéo, quy chủ đất, điều chỉnh tuyến.. chưa thể giải quyết ngay được nên chưa thể có mặt bằng “sạch” để thi công.
Thời gian qua, UBND huyện Bắc Hà đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và các xã liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để rà soát, đánh giá chính xác những vướng mắc để báo cáo huyện có hướng giải quyết. Nhờ đó, trong hai ngày 12 - 13/7 đã có 61 hộ đủ thủ tục pháp lý tại xã Cốc Lầu đã được chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và nhà thầu sẽ có mặt bằng để tiếp tục thi công.
Đối với các hộ còn lại, huyện Bắc Hà chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan, chậm nhất đến tháng 10/2023 sẽ hoàn thành toàn bộ việc thống kê, kiểm đếm và chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật. UBND huyện Bắc Hà cũng đề nghị Ban QLDA đầu tư xây dựng CTGT tỉnh Lào Cai khi có mặt bằng sẽ đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư.
Với việc vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan, sự đồng thuận của người dân, hy vọng trong thời gian tới tiến độ thi công dự án sẽ sôi động trở lại