LCĐT - Tỉnh lộ 160 - tuyến giao thông quan trọng dọc sông Chảy kết nối nhiều xã của huyện Bắc Hà và huyện Bảo Yên với hàng nghìn hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, đồng bào nơi đây đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng mô hình trồng rừng kinh tế, tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng giao thông đang làm chậm nhịp phát triển của các địa phương trong khu vực.
Bản Cái là xã vùng thấp của huyện Bắc Hà. Nếu nói về khoảng cách với các tuyến giao thông quan trọng thì Bản Cái nằm ở vị trí rất thuận tiện khi ở rất gần Quốc lộ 279, Quốc lộ 70 và Tỉnh lộ 153. Thế nhưng, trước khi kết nối được với các tuyến huyết mạch này phải đi qua Tỉnh lộ 160, trong khi tuyến đường này từ khi đưa vào vận hành dường như luôn chạy theo sau nhu cầu vận tải của người dân trong khu vực.
Lần gần đây nhất tuyến đường được cải tạo, nâng cấp đã cách đây 10 năm, từ đó đến nay hầu như chỉ sửa chữa nhỏ. Đường nhỏ, khả năng chịu tải thấp nên ngày càng, xuống cấp, nhất là khi trở thành đường công vụ, phải oằn mình cõng những xe hàng chục tấn phục vụ thi công 3 thủy điện trong khu vực là Vĩnh Hà, Nậm Lúc, Bảo Nhai 2. Những lời hứa của chủ đầu tư thủy điện rằng khi hoàn thành các dự án sẽ hoàn trả nền đường như hiện trạng ban đầu cũng “trôi theo dòng nước”. Tuyến tỉnh lộ này còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người và các phương tiện lưu thông do xuất hiện các điểm sạt phía taluy âm khi thủy điện dâng nước.
Tình cảnh ở 2 xã Cốc Lầu, Nậm Lúc cũng không khác Bản Cái. Từ xã Bảo Nhai vào trung tâm xã Cốc Lầu chỉ hơn 6 km nhưng phải mất 20 phút lựa tránh ổ gà, ổ trâu, chúng tôi mới đến được trụ sở UBND xã. Trưởng thôn Hà Tiên, xã Cốc Lầu - anh Nguyễn Văn Ngọc ngán ngẩm cho biết: Nhiều năm qua, người dân nơi đây phải sống trong cảnh ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi bặm. Đây cũng trở thành vấn đề chính được nêu ra tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri hoặc đối thoại giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân.
Trong khi đó, muốn đến được xã Nậm Lúc cũng phải đi qua một đoạn đường “đau khổ” và cây cầu Nậm Tôn ngày càng xuống cấp.
Người dân Nậm Lúc chia sẻ, đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn đã được đổ bê tông, nhưng đường kết nối từ xã ra bên ngoài khó khăn quá. Năm nào ở Nậm Lúc cũng có một vài hộ viết đơn xin thoát nghèo. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà con bảo rằng các chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo rất quan trọng, nhưng nếu Nhà nước đầu tư giao thông trước một bước thì hành trình thoát nghèo của người dân sẽ dễ dàng hơn.
Anh Triệu Ton Tuân, ở thôn Làng Tát, xã Bản Cái là đầu mối thu mua vỏ quế và sơ chế trước khi bán cho một cơ sở thu mua ở Bảo Thắng để xuất khẩu. Anh Tuân cho biết: Từ Bản Cái ra Phố Lu khoảng 40 km nhưng phải mất gần 3 tiếng đồng hồ, cước xe gần 1,5 triệu đồng, gấp đôi so với bình thường. Đặc biệt, đoạn từ Bản Cái ra Bảo Nhai đường vừa nhỏ hẹp lại nhiều đoạn sạt lở, rất nguy hiểm, nhiều lúc thuê xe mà bị chủ xe từ chối vận chuyển.
Tỉnh lộ 160 qua địa bàn nhiều xã của Bắc Hà như Cốc Lầu, Nậm Lúc, Bản Cái. Những năm gần đây, cây quế phát triển mạnh ở những xã này và trở thành cây trồng chủ lực trong giảm nghèo bền vững của người dân nơi đây. Tuy nhiên, giao thông khó khăn khiến người dân chưa nhận được giá trị tương xứng với thành quả lao động do luôn bị tư thương ép giá.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Tỉnh lộ 160 là tuyến đường trục chính của xã, nhiều năm qua đã xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế của bà con.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh (số 25/NQ-HĐND), tuyến Tỉnh lộ 160 đoạn từ Km0 đến Km11 sẽ được cải tạo, nâng cấp từ đường hiện có theo quy mô đường cấp V miền núi, mặt đường nhựa. Đoạn từ Km11 đến Km23 sẽ sửa chữa cục bộ hư hỏng mặt đường; đặc biệt sẽ xây mới cầu Nậm Tôn tại Km11 thay thế cầu cũ.
Bí thư Đảng ủy xã Bản Cái Triệu Tà Chiều cho rằng, khi tuyến đường được cải tạo, nâng cấp, giao thông thuận tiện, chắc chắn sẽ thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển mạnh hơn. Người dân nơi đây mong Nhà nước sớm đầu tư tuyến đường này.
Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc cũng bày tỏ phấn khởi khi biết cầu Nậm Tôn bắc qua sông Chảy sắp được xây mới thay thế cây cầu cũ. Đơn vị tư vấn đã làm việc với chính quyền địa phương khảo sát vị trí nhiều lần, nhưng chưa biết khi nào công trình mới được khởi công. Người dân mong mỏi có cây cầu mới và tuyến đường được cải tạo, nâng cấp để thuận lợi hơn cho địa phương trong phát triển kinh tế.