Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Một số địa phương đạt tỉ lệ cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Để bước vào giai đoạn 3 - phát triển theo chiều sâu, cần tập trung phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.
Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.
Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025.
Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: Đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành: Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương: Đạt tối thiểu 70%.
Tại Lào Cai, thực hiện Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", tỉnh đã cụ thể hóa bằng 1 đề án trọng tâm và 1 nghị quyết chuyên đề của tỉnh. Hiện hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp 1.655/1.655 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 100%; là 1 trong 17 tỉnh, thành phố đứng đầu có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ 50% trở lên. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt 68,7%..., góp phần trực tiếp giảm thời gian, chi phí, công khai minh bạch khi thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước ta, là công việc được đặc biệt quan tâm, thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai nhanh chóng, hiệu quả và thực chất. Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; trong đó Chính phủ số có vai trò kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xã hội với một trong những trọng tâm, cốt lõi là phát triển, nâng cao hiệu quả công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tất cả các cấp, ngành, địa phương nghiêm túc, chủ động tích cực vào cuộc, nhất là người đứng đầu, khắc phục các hạn chế, bất cập liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; các ngành liên quan cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sửa đổi bổ sung kịp thời những bất cập hạn chế, mâu thuẫn, thiết kế thành quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện; cắt giảm đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; tăng cường phân quyền cho các địa phương, cấp nào làm tốt nhất, gần dân nhất thì để cấp đó thực hiện. Ngoài ra, các ngành có liên quan cần sớm trình các nghị định hướng dẫn thực hiện giao dịch điện tử, các quy định liên quan đến sử dụng dữ liệu số.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, "xanh hóa" dịch vụ công, làm sao để thân thiện với người dùng và phát huy tối đa hiệu quả. Thời gian tới, các địa phương, các bộ, ngành cần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trung tâm phục vụ hành chính công để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường đàm phán với các đối tác thương mại để công nhận lẫn nhau đối với các chứng từ thương mại, chứng từ điện tử. Cùng với đó, cần quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để chuyển đổi số thông suốt, hiệu quả, đặc biệt là trung tâm dữ liệu quốc gia để khai thác, sử dụng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, làm việc trong sáng, minh bạch, tất cả vì mục tiêu chuyển đổi số nhanh, toàn diện và bền vững.