Tham gia hội nghị có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh và Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã; thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Ban Chỉ đạo Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh đã có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, Đề án 06 đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch để chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Đối với công tác cải cách hành chính hiện đang triển khai, thực hiện 45/45 nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 172/KH-BCĐ ngày 19/3/2024 của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Lào Cai về hoạt động của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Lào Cai năm 2024.
Ban Chỉ đạo Đề án số 06 tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện 38 nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 23/1/2024. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ được duy trì thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đề ra.
Theo bảng xếp hạng bộ chỉ số theo Quyết định 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cập nhật tính đến ngày 17/6/2024, tỉnh Lào Cai đạt 80,2/100 điểm (đứng thứ 13/63 tỉnh, thành). Lào Cai là 1 trong 17 tỉnh, thành phố đứng đầu có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ 50% trở lên; là 1 trong 23 địa phương đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; là 1 trong 4 địa phương đầu tiên toàn quốc ban hành kế hoạch và thành lập đoàn nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về triển khai thực hiện Đề án 06/CP tại thành phố Hà Nội; tỷ lệ số hóa đứng thứ 26/63 tỉnh, thành.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những khó khăn, tồn tại trong công tác CCHC và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Một số vấn đề được các đại biểu quan tâm như: Vấn đề tinh giản biên chế công chức, viên chức sự nghiệp; đảm bảo an ninh mạng, bảo mật thông tin cho người dân; cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ; tháo gỡ khó khăn về hồ sơ bảo hiểm xã hội và căn cước công dân chưa đồng bộ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực vùng cao; hoàn thiện nền tảng chính quyền số để nhân rộng ra các địa phương; quản lý thu thuế từ dịch vụ cho thuê nhà, dịch vụ hàng ăn; số hóa hồ sơ thủ tục hành chính; cải cách tài chính công...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo CCHC cần làm tốt công tác cải cách thể chế; rà soát lại các thủ tục hành chính nội bộ để cắt giảm, chuẩn hóa, giải quyết tình trạng chậm muộn về giải quyết thủ tục hành chính để đưa lên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Các địa phương quan tâm phê duyệt thủ tục hành chính nội bộ; nghiên cứu tăng cường phân cấp hoặc ủy quyền thủ tục hành chính cấp tỉnh và cấp huyện ở một số lĩnh vực như lĩnh vực đất đai; thành lập các trung tâm làm đầu mối hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận với các sở, ban, ngành để thực hiện các dự án đầu tư; tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức. Cục thuế tỉnh nghiên cứu quản lý doanh thu về dịch vụ ăn uống, thuê nhà, lưu trú.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường cơ chế đặt hàng đối với một số trung tâm của khối văn hóa, du lịch, nông nghiệp, trường chính trị tỉnh; phát huy hiệu quả một số mô hình chuyển đổi số giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại cấp thôn; phấn đấu đến cuối năm 2024 tháo gỡ khó khăn cho 6/6 thôn không có sóng điện thoại và 28/56 thôn chưa có cáp quang mạng internet. Công an tỉnh triển khai thực hiện Đề án 06 đảm bảo tiến độ và kế hoạch, đặc biệt làm sạch dữ liệu, đồng bộ hóa dữ liệu dân cư.