Theo Ngọc phả Hùng Vương và ý kiến của các nhà nghiên cứu cho thấy Lang Liêu là con trai thứ của Vua Hùng thứ 6 Hùng Huy Vương.
Ngài là một người con hiếu thảo, chăm chỉ, cần mẫn làm ruộng tại làng Dữu Lâu, nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì để nuôi sống bản thân. Khi vua cha mừng thọ, nhân lấy việc đó để chọn người kế vị, Vua Hùng thứ 6 đã yêu cầu các con trai mỗi người làm một mâm cỗ để chọn ra người nhường ngôi báu. Khác với những người con khác, bằng tấm lòng hiếu thảo Lang Liêu đã lấy gạo nếp thơm, là sản phẩm lao động của mình để làm ra hai thứ bánh là bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho trời- đất và triết lý “âm dương ngũ hành” để dâng lên mừng thọ cha. Vua Hùng thứ 6 thấy “bánh thì ngon, ý thì hay, tâm đức thì trong sáng”, đã cảm kích và quyết định chọn Lang Liêu làm người kế vị, trở thành Vua Hùng thứ 7- Hùng Chiêu Vương. Từ đó, tích bánh chưng, bánh dày đã được nhân dân lưu truyền, trở thành văn hóa khắc sâu trong tiềm thức của mọi người dân đất Việt và được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành lễ vật cúng gia tiên của mọi gia đình Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Sau khi lên ngôi, Hùng Chiêu Vương là một ông vua hiền tài, anh minh, đức độ, luôn tu rèn bản thân, lấy nhân nghĩa để giáo hóa trăm họ. Theo truyền thuyết, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Ân, Lang Liêu đã cùng bà Lăng Thị Tiêu, là vợ của ngài sau này đã đánh giặc, giữ yên bờ cõi. Hùng Chiêu Vương rất chăm lo chính sự, thờ cúng, hương khói tổ tiên, Ngài thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh làm lễ cầu xin trời đất ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh. Với tấm lòng tôn kính, ghi ơn công đức Lang Liêu, từ lâu nhân dân làng Dữu Lâu đã lập miếu thờ, hàng năm hương khói thờ phụng.
Miếu Lang Liêu trước đây gọi là “Dữu Lâu Vũ Miếu”, ban đầu được làm đơn sơ, tường đắp bằng đất, mái lợp lá cọ. Đến năm Nhâm Tuất 1802 nhân dân xây dựng lại miếu gồm 3 gian, tường gạch, mái lợp ngói âm, bên trong có tầng gác liệng gỗ đặt ban thờ, long ngai, bài vị Lang Liêu, bát hương và các đồ tế khí. Trên câu đầu của ngôi Miếu cổ có khắc dòng chữ Hán- Nôm: Thiệu Trị lục niên, lục nguyệt, nhị thập tam nhật thụ trụ lương thời đại cát; nghĩa là: Ngày tốt 23 tháng 6 niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846) dựng cột cất nóc đại cát. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một lần trùng tu, đồng thời là cơ sở khoa học xác đáng để khôi phục lại miếu thờ tại phường Dữu Lâu.
Từ ngọc phả và các căn cứ về văn hóa, truyền thuyết khẳng định đã có đủ cơ sở khoa học để xác định vai trò, vị trí, thân thế và sự nghiệp của Lang Liêu- Hùng Chiêu Vương trong tiến trình lịch sử của dân tộc.
Đầu những năm 1960, Nhà nước có chủ trương xây dựng trường cấp I, cấp II Dữu Lâu, chính quyền đã cho tháo dỡ miếu cổ và san bằng khu vực để lấy mặt bằng xây dựng. Những vật liệu tháo dỡ, hợp tác xã cho xây dựng thành nhà kho chứa thóc. Từ đó đến nay, nhân dân địa phương không còn nơi thờ tự Lang Liêu, hiện tại bài vị của Ngài được nhân dân rước về phối thờ tại đình làng Dữu Lâu nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn Quý Minh. Miếu Lang Liêu được nhân dân xây dựng trước đây để thờ tự, tưởng nhớ một vị vua có nhiều công lao với nước bị tháo dỡ làm nhà kho, sau hơn 50 năm, nay đã xập xệ dưới một tấm bạt phủ; các dấu tích lịch sử về miếu cổ bị ảnh hưởng nặng do tác động bởi thời gian và môi trường. Sau nhiều biến cố lịch sử, việc sớm khôi phục Miếu thờ Lang Liêu- Hùng Chiêu Vương tại phường Dữu Lâu là rất cần thiết, đây sẽ là một trong những điểm đến của hệ thống các di tích, cụm di tích gắn với tín ngưỡng thời đại Hùng Vương trên quê hương Đất Tổ.