Nỗi lo mùa giáp hạt

LCĐT - Năm nào cũng vậy, cứ vào độ sau Tết Nguyên đán, khi những tràn ruộng bị phủ xanh bởi cỏ dại cũng là lúc đồng bào vùng cao ở nhiều địa phương lại phải đối mặt với nỗi lo mùa giáp hạt. Tuy nhiên, với những “hạt gạo nghĩa tình” của Đảng, Chính phủ; sự chủ động, kịp thời của chính quyền địa phương; sự chung tay của cộng đồng đã phần nào giúp bà con vơi đi gánh nặng lo toan trong “tháng ba, ngày tám”…

Chung tay giúp người nghèo mùa giáp hạt.
Chung tay giúp người nghèo mùa giáp hạt.

Từ Quốc lộ 4D thuộc xã Thanh Bình rẽ lên xã Lùng Khấu Nhin (Mường Khương) dịp này, không khó để bắt gặp hình ảnh đồng bào Mông, Nùng tất bật, hối hả chuẩn bị cho mùa làm nương mới. Nhiều hộ ở đây từ mùng 2, mùng 3 Tết, sau khi làm đủ nghi thức truyền thống ở nhà, đã phải lên nương để sản xuất cho kịp thời vụ. Mùa giáp hạt năm nay, xã Lùng Khấu Nhin có 30 hộ có nguy cơ thiếu đói và đã được nhận gạo cứu trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, số gạo ấy chỉ đủ cho các hộ này không bị thiếu đói trong dịp Tết.

Ngôi nhà nhỏ chênh vênh bên sườn núi của gia đình ông Giàng Chẩn Dìn, thôn Ma Ngán A, xã Lùng Khấu Nhin đã lâu không còn niềm vui lẫn tiếng cười. Do hoàn cảnh khó khăn, đất sản xuất ít, nên vụ trồng lúa năm trước, gia đình thu về vài bao thóc và cũng chỉ đủ để 8 nhân khẩu trong nhà không bị đói trong vòng 4 tháng. Ông Dìn buồn rầu chia sẻ: “Trước đây, do không hiểu biết nên mới đẻ nhiều con. Nhà mình đất trồng lúa ít, thóc làm ra năm nào cũng chỉ vậy, trong khi các con ngày càng lớn, khẩu phần ăn vì thế tăng lên. Nhà mình năm nay chỉ ăn Tết hai ngày, đến ngày mùng 3 chúng nó đã phải gói đồ đạc đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ”.

Bí thư Chi bộ thôn Ma Ngán A, ông Lèng Seo Chẻo cho biết: “Cả thôn có 45 hộ người Mông thì chỉ có 2 hộ không nghèo, 10 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Vào mùa giáp hạt, nhiều hộ có nguy cơ bị thiếu đói, hộ thiếu đói 1 - 2 tháng thì vẫn có khả năng xoay sở được, còn những hộ thiếu đói từ 3 đến 4 tháng thì chỉ biết đi làm thuê, vay mượn, thậm chí bán cả trâu, lợn, gà để lấy tiền mua gạo”. Đất trồng lúa đã ít, lại chỉ làm được 1 vụ. Trong khi đó, người trồng lúa ở thôn Ma Ngán A cũng như 11 thôn còn lại của xã Lùng Khấu Nhin còn phải phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu nữa. Năm nào mưa thuận, gió hòa, không bị hạn hán, dịch bệnh, lúa được mùa, thì bà con ít bị thiếu đói trong dịp giáp hạt hơn.

Ông Sùng Dín, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin chia sẻ: “Ngoài trồng lúa, bà con trong xã còn trồng ngô để tăng thu nhập. Tuy vậy, giá ngô hạt tại địa phương thấp, nên chỉ đủ chi phí cho giống và phân bón. Xã hiện có trên 62% hộ nghèo, nên vào mùa giáp hạt, nhiều hộ đối mặt với nguy cơ bị thiếu đói”.

Để cải thiện đời sống cho bà con, những năm qua, chính quyền xã Lùng Khấu Nhin tích cực tuyên truyền, vận động bà con chủ động tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, nhận thức của bà con nhiều nơi còn hạn chế, đất đai bỏ hoang, dẫn đến đói, nghèo.

Nỗi niềm người dân nghèo mùa thiếu đói.
Nỗi niềm người dân nghèo mùa thiếu đói.

Chia tay xã Lùng Khấu Nhin, chúng tôi ngược về Lùng Vai và được biết, năm qua, nhiều hộ trong xã bị mất mùa do thiên tai, dịch bệnh, khiến năng suất và sản lượng lúa giảm. Gia đình bà Lừu Thị Dìn ở thôn Na Hạ 1 nhiều năm qua không phải lo thiếu đói vì 6 sào ruộng luôn đảm bảo cho gia đình đủ gạo ăn quanh năm. Tuy nhiên, vụ trước, toàn bộ diện tích lúa của gia đình bị dịch bệnh và ngập úng do mưa lũ, nên năng suất thấp, đã vậy, lúa còn mọc mầm trước khi thu hoạch. Sau Tết, nhà bà chỉ còn vài bao thóc, nguy cơ bị thiếu đói giáp hạt rất lớn. Bà Dìn tâm sự: “Lâu lắm rồi nhà tôi mới rơi vào tình cảnh khó khăn như vậy. Cũng may gia đình có nguồn thu nhập từ cây chè và đàn lợn nên cũng đủ để trang trải cho khoảng thời gian giáp hạt”.

Mùa giáp hạt năm nay, không chỉ bà con ở các huyện vùng cao phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, mà nhiều hộ dân ở các huyện vùng thấp cũng gặp cảnh tương tự. Nguyên nhân chính là do vụ lúa mùa 2017 một số nơi bị sâu bệnh, nên năng suất giảm, có địa phương năng suất giảm đến một nửa.

Mong muốn quan tâm giúp đỡ hộ nghèo không bị “đứt bữa”, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua và mùa giáp hạt 2018, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận gần 190 tấn gạo cứu đói từ Chính phủ. Từ số gạo này, tỉnh đã phân bổ, hỗ trợ các địa phương: Bắc Hà 17,4 tấn với 303 nhân khẩu; Mường Khương trên 23,2 tấn với 351 nhân khẩu; Bảo Yên trên 25 tấn với 1.671 nhân khẩu; Bảo Thắng gần 28,6 tấn với 1.906 nhân khẩu; Sa Pa trên 45,3 tấn với 627 nhân khẩu; Văn Bàn trên 50,3 tấn với 823 nhân khẩu. Việc hỗ trợ gạo được triển khai đồng bộ, nhanh chóng và đúng đối tượng với số lượng 15 kg gạo/người/tháng, trong đó hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán là 1 tháng, hỗ trợ cứu đói giáp hạt tối đa là 3 tháng.

Tuy nhiên, các địa phương vẫn luôn xác định, việc hỗ trợ gạo cứu đói chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài, để giúp các hộ nghèo không bị thiếu đói trong mùa giáp hạt luôn cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền địa phương, của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là của chính các hộ thiếu đói, phát huy mọi nguồn lực, có các cơ chế, chính sách ưu tiên cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện mới ở trẻ tự kỷ

Phát hiện mới ở trẻ tự kỷ

Các nhà khoa học tại Đại học Geneva (UNIGE), Thụy Sỹ vừa công bố phát hiện quan trọng, làm sáng tỏ nguyên nhân phía sau những khó khăn trong tương tác xã hội ở trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Lào Cai chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ

Lào Cai chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ

Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 cũng là thời gian cao điểm khách du lịch đến các địa phương trong tỉnh, do đó ngành y tế Lào Cai và các doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ người dân và du khách. 

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Trong không khí tưng bừng của cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những hoạt động giáo dục lòng yêu nước tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi, tràn đầy cảm xúc. Các em học sinh từ mầm non đến trung học không chỉ được học về lịch sử mà còn được trải nghiệm những hoạt động thực tế, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngày lễ không nghỉ của những người thầy thuốc

Ngày lễ không nghỉ của những người thầy thuốc

Trong không khí hân hoan đón chào kỳ nghỉ Lễ 30/4 – 1/5, hàng triệu người lao động được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình thì ở nơi hành lang bệnh viện, ánh đèn vẫn sáng, tiếng chân rảo bước, tiếng băng ca đẩy hối hả, nhịp độ làm việc khẩn trương. Những “chiến sĩ áo trắng” miệt mài làm việc, túc trực ngày đêm để giành giật sự sống cho người bệnh.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người có công

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người có công

Thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc để thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình. Họ là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần kiên cường và ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam. Với lòng biết ơn sâu sắc, thời gian qua, hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người có công được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

fb yt zl tw