LCĐT - Đưa trẻ đi cùng sắm tết cho vui và muốn giới thiệu cho trẻ nét văn hóa truyền thống, được trải nghiệm, được hòa mình vào không gian rộn ràng, háo hức đón tết. Chỉ vào những món đồ sẽ mua, sẽ chuẩn bị để gia đình đón tết, trẻ bảo còn thiếu một thứ chưa mua, cần mua. Thứ gì thế? Con lợn đất, lợn nhựa! Đó là con lợn tiết kiệm trẻ sẽ dùng để cất giữ tiền ông bà, bố mẹ, người thân quen mừng tuổi. Thì ra thời nào trẻ em cũng thích có con lợn tiết kiệm, cứ được người lớn cho đồng tiền nào là xăm xắn nhét vào lợn.
Lợn tiết kiệm bây giờ phong phú chủng loại, màu sắc. |
Ngày nay, lợn tiết kiệm đa dạng, phong phú về chủng loại, màu sắc, kích cỡ… tha hồ cho trẻ lựa chọn món đồ mình yêu thích. Đây, lợn làm từ nhựa nhẹ tênh. Kia, lợn làm từ thạch cao nhẹ, trắng. Còn nữa, lợn từ gốm nặng hơn nhưng bền, khó vỡ, được phủ lớp men bóng, đẹp… Tất cả đều bắt mắt, thu hút sự tò mò và khơi gợi trí tưởng tượng cho trẻ, nhưng điều đó lại khiến trẻ khó lựa chọn con lợn nào phù hợp, bởi con nào trẻ cũng thích, cũng muốn mang hết về nhà trưng bày. Khó thế, chứ thời chúng tôi không cần lựa chọn (mà có đâu để chọn lựa!), chỉ ít phút là có ngay món đồ cất tiền lì xì. Dù chỉ là ống nứa nhưng vẫn được lũ chúng tôi gọi lợn tiết kiệm cho oai: “Lợn… ống nứa”.
Thời đó khó khăn đủ bề. Tiền lúc nào cũng thiếu “ăn bữa nay còn lo bữa mai” thì lấy đâu ra dư dả mà mua những thứ xa xỉ không cần thiết. Lợn nhựa tiết kiệm, dù con be bé ít tiền thôi cũng không thể mua chiều lòng trẻ. Trong “cái khó ló cái khôn”, một người làm rồi cứ thế bắt chước làm theo, vả lại cũng dễ làm, nên “phong trào” làm lợn tiết kiệm từ ống nứa nở rộ. Bắt đầu từ một nhà đã lan sang hàng xóm và cả làng. Đầu tiên lên khoảnh đồi trước nhà chọn cây nứa già, thân to, thẳng, gióng dài, cắt một đoạn giữ nguyên hai đầu mắt. Mang về dùng cưa loại nhỏ cưa mớm một đoạn ngăn ngắn vắt ngang thân ống hoặc hơi vát cho thêm phần thẩm mỹ, sau đó dùng lưỡi đục gỗ loại nhỏ chuyên làm đồ mộc, rồi lách lưỡi dao bén khoét nhẹ, từ từ phần nứa đã được cưa. Phải làm thật khéo và nhẹ nhàng để ống nứa không bị vỡ. Phải khoét lỗ nhỏ chỉ vừa độ nhét đồng xu hoặc tờ tiền giấy gấp nhỏ lại cho vào (ngày tết trẻ em thường được lì xì tiền mệnh giá nhỏ gọi là lấy may). Cứ hễ có tiền mừng tuổi hay được bố mẹ thưởng là lôi lợn ống nứa ra nhét vào. Xong xuôi lại cất lên mái nhà. Thời đó phần lớn là nhà lợp mái, giữa các đòn tay, vì kèo là nơi cất giữ đồ của lũ trẻ. Lợn ống nứa thường được làm hai lần trong năm: Dịp khai giảng năm học mới, trẻ được người lớn cho tiền trước khi bước vào năm học, mọi khoản đóng góp bố mẹ đã lo, nên đem tiền nhét vào lợn; còn dịp tết có tiền mừng tuổi cũng đem “cho lợn ăn”. Và cũng chỉ dịp này lợn mới có vẻ no, chứ ngày thường giống chủ nó đói dài. Do ít khi được cho tiền, tặng tiền nên lũ trẻ không nhớ rõ trong lợn ống nứa có bao nhiêu, nhiều khi bị móc trộm cũng không biết. Anh hoặc chị muốn mua một món đồ nào đó mà lại không muốn moi từ lợn của mình, thế là chờ em đi vắng, ở nhà lấy lợn ống nứa xuống, dùng sợi dây thép mỏng, nhỏ, uốn cong một đầu để móc tiền ra. Mà cũng chỉ lấy đủ số tiền cần mua, chứ lấy nhiều quá, lợn ống nứa nhẹ bẫng sẽ dễ bị phát hiện. Và dù nghi nghi lợn của mình bị móc trộm nhưng không có bằng chứng, không “bắt tận tay” đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”! Lúc có việc cần tiêu đến tiền hoặc người lớn gạ “mổ lợn” nghe lý do chính đáng, lại bùi tai là mang dao bổ đôi lợn ống nứa. Từng đồng xu lăn long lóc, từng tờ tiền giấy không còn mới mà chuyển sang quăn mép vẫn được chủ nhân nâng niu lượm nhặt, ấp trong bàn tay với cả sự trân quý.
Thế đó! Một thời gian khó. Một thời lam lũ. Gian khó, lam lũ cả từ đồng tiền tiết kiệm. Nhưng đó mãi là kỷ niệm khó quên, đi cả vào giấc mơ dù bây giờ cuộc sống khá hơn, dù lũ trẻ có thể được lì xì bằng tiền trăm ngàn, tiền triệu thì với chúng tôi ký ức vẫn vẹn nguyên trong vui vẻ.