Người Phù Lá ở Bắc Hà có 656 người, sinh sống chủ yếu ở các xã Na Hối, Lùng Phình, Nậm Mòn, Thải Giàng Phố, Nậm Đét. Người Phù Lá vẫn còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, thể hiện bản sắc riêng trong văn hóa tộc người, đặc biệt là trong phong tục cưới.
Trong phong tục cưới của người Phù Lá từ xưa đến nay không thể thiếu lễ trao tơ hồng - "Quả hòng", đó là một nghi lễ đặc biệt quan trọng được diễn ra tại nhà trai vào đêm trước ngày đón dâu. Tơ hồng được ví như là một sợi dây gắn kết hạnh phúc lâu bền, đó là một dải vải đỏ được cắt may cẩn thận và gập thành một dải dây có độ dài khoảng 100 - 120cm. Ở hai đầu dải tơ hồng được gấp chéo góc thành hình nửa quả trám và buông vài sợi tua rua tạo độ mềm mại khi di chuyển.
Vào đêm trước ngày đón dâu, sau khi ăn xong bữa tối, gia đình nhà trai mời phù rể của hôn lễ - "Pừ làng" đến nhà hướng dẫn chú rể thực hiện từng bước các nghi lễ, như nghi lễ thờ cúng - "Sỉnh lau chu cóng", cúi lạy gia tiên - "Khù thầu", những bước đi lại, tạ lễ gia tiên của hai bên gia đình trong ngày đón dâu và đưa dâu về nhà báo cáo tổ tiên gia đình nhà trai. Nghi lễ được diễn ra trang trọng trước bàn thờ gia tiên, trước sự chứng kiến của đại gia đình, gồm ông bà, bố mẹ, các cô, bác, chú, dì và khách gần xa của gia đình nhà trai.
Theo quan niệm của người Phù Lá, tơ hồng là sợi dây gắn kết đặc biệt trong hôn nhân của đôi trai gái. Do vậy, trong ngày trọng đại của con cháu, người Phù Lá thường thể hiện sự chúc phúc bằng dải tơ hồng trao cho con cháu. Gia đình nào có nhiều anh, em, cô, dì, chú, bác thì càng nhận được nhiều tơ hồng và nhiều lời chúc phúc. Trước khi tiến hành nghi lễ, gia đình sẽ trải một chiếc chiếu xuống nền nhà, ngay chính giữa cửa ra vào, rồi phù rể thắp hương lên bàn thờ mời gia tiên chứng nhận sự cúi lạy báo hiếu của con cháu.
Trước sự chứng kiến của đại gia đình, phù rể bắt đầu dạy chú rể quỳ lạy tổ tiên theo 4 hướng (tây, bắc, đông, nam), đầu gối bên phải quỳ xuống chạm đất, đầu gối bên trái làm trụ, 2 tay đặt vuông góc lên đầu gối bên trái và cúi lạy mỗi hướng ba lạy, cuối cùng là quỳ chụm hai gối trước bàn thờ với tư thế lưng thẳng, mắt nhìn thẳng lên bàn thờ để các cô, bác, chú, dì lần lượt trao tơ hồng. Người đầu tiên trao tơ hồng là mẹ chú rể, phù rể sẽ đại diện gia đình đeo cho chú rể, vừa đeo phù rể vừa đọc lời chúc.
Khi đeo xong tơ hồng của gia đình thì đến lượt các anh, chị, cô, bác, dì. Đến lượt ai thì người đó đọc lời chúc phúc rồi lấy tơ hồng vòng chéo từ vai xuống dưới nách áo chú rể và buộc tơ hồng. Tuy nhiên, do một số cô, bác, dì ngại không đọc được lời chúc nên sẽ đưa tơ hồng cho phù rể đeo hộ và người nhờ sẽ phải tạ ơn phù rể bằng cách mời uống cùng nhau một chén rượu đầy. Trong mỗi dải tơ hồng, đều được các anh, chị, cô, chú, bác, dì để sẵn một chút tiền lì xì, khi phù rể nhận tơ hồng sẽ rút lì xì ra và đặt lên bàn thờ gia tiên. Lúc trao hộ tơ hồng, phù rể lại đọc tiếp mấy câu chúc vừa thể hiện sự hài hước, dí dỏm để tạo cho không khí thêm vui vẻ. Những lần đeo tiếp theo, phù rể sẽ đọc chức danh của chủ dây tơ hồng rồi đọc tiếp các bài chúc phúc cho chú rể, cứ trao xong một dải tơ hồng nào thì chủ nhân dải tơ hồng đó lại mời phù rể một chén rượu để tỏ lòng biết ơn. Nghi lễ tiếp tục tiến hành cho đến khi tập trung hết các thành viên của gia đình.
Sau khi kết thúc nghi lễ, gia đình chú rể đã chuẩn bị sẵn mâm rượu được đặt ngay giữa nền nhà tại địa điểm thực hiện nghi lễ, trên mâm có 8 cái chén, 8 đôi đũa và 8 đĩa đồ ăn, nhưng chỉ gồm 2 loại thức ăn là kẹo (4 đĩa), tim, gan, phèo (4 đĩa) và phải bao gồm 8 nam thanh niên cùng ngồi ăn (trong đó có chú rể, phù rể và những người bạn) cùng ngồi uống rượu. Mâm rượu thể hiện sự chúc phúc của gia đình cho đôi trẻ tiến tới hôn nhân ngọt ngào, lâu bền và sống với nhau thành tâm, thật lòng và gần gũi như tim, gan.
Nghi lễ trao tơ hồng là phong tục đẹp, mang giá trị nhân văn sâu sắc nhằm giáo dục ý thức hôn nhân cho giới trẻ và tạo sợi dây gắn kết hạnh phúc lâu bền trong hôn nhân mà đến nay vẫn được cộng đồng dân tộc Phù Lá duy trì và lưu giữ./.