Vì sao những lao động “digan”, ai cũng cười với chúng tôi một nụ cười đầy Phật tính? Vì sao (hình như) họ không biết là họ đang rất cay đắng, khổ hạnh theo cách nhìn của chúng tôi, mà trái lại họ còn sống, nhìn đời một cách an nhiên, tự tại như vậy? Chúng tôi ngược về “quê hương bản xứ” của những lao động “digan”, để tìm câu trả lời.
“Lần này thì thất nghiệp thật”
Thú thật khi nghe Thạch Lực nói “ở quê tụi em hầu hết không có ruộng vườn, thậm chí còn không đất làm nhà, phải đi ở đậu nhà người ta thì lấy đâu ra việc mà làm…”, chúng tôi không tin lắm, bởi bây giờ là thời buổi nào rồi mà nông thôn còn có chuyện ở đậu? Nhưng khi tìm về đến nhà của người đàn ông có tên nghe kỳ kỳ là Hai Ngựa ở xã An Thạnh Ba (Cù Lao Dung, Sóc Trăng), địa chỉ ở đậu của đầu công Thạch Lực cùng nhóm lao động, chúng tôi mới tin đó là sự thật.
![]() |
Sau vườn nhà ông Hai Ngựa, những người ốm, yếu, không đủ sức vác mía nên phải ở nhà kiếm sống bằng nghề phơi lá dừa làm chổi bán hoặc bán vé số… |
Ông Hai Ngựa giới thiệu tên họ đầy đủ của mình là Lê Văn Ngựa, nhưng “tui thứ hai, lại tuổi ngựa nên mẹ tui đặt tên là Ngựa, rồi người ta gọi luôn là Hai Ngựa”. Ông Hai Ngựa là người nổi tiếng ở xã Cù Lao Dung bởi từ những năm 1980, ông làm chủ lò đường và có hàng trăm hécta mía. Ông kể khoảng năm 1985, lúc đó lò đường phát triển, ông cần nhiều nhân công nên tiếp nhận nhiều người Khmer ở Trà Vinh qua làm thuê. “Thời gian đầu chỉ vài gia đình, tui cho họ cất nhà tạm sau vườn để ổn định chỗ ở. Dần dần họ nên vợ thành chồng, sinh con đẻ cái rồi ở luôn đến giờ, tính ra đã 3 thế hệ”, ông Hai Ngựa kể. Cách đây gần chục năm, lò đường ông Hai Ngựa đóng cửa do không cạnh tranh nổi với các nhà máy đường trên địa bàn, những lao động ở đậu trên nhà ông bỗng dưng thất nghiệp nên phải đi lang thang khắp nơi trong vùng để kiếm việc làm.
Ông Hai Ngựa dẫn chúng tôi ra vườn sau, nơi có khoảng 20 ngôi nhà lá cũng nằm dọc một con kênh, phần lớn là đóng cửa bởi các chủ nhân lúc này đang mải chặt mía thuê tận trên Bến Lức. Tìm mãi mới thấy một ngôi nhà mở cửa và có người. Chủ nhà tên Thạch Thị Sa Man, 39 tuổi, đang ngồi bổ dừa rồi phơi nắng trước sân. “Dừa này hái trong vườn ông Hai Ngựa, ổng cho. Ruột dừa thì bán cho người ta làm xà phòng, vỏ dừa chờ bán cho người ta làm củi. Chịu khó lâu lâu cũng kiếm được 5 -7 chục ngàn” - chị Sa Man kể. Trong nhà, nhìn đâu cũng thấy trống trơn và chẳng có gì đáng gọi là tài sản cả. Ngay cả cái gương mà cô con gái chị Sa Man đang soi mặt cũng là gương vỡ.
Gia đình chị Sa Man cùng bà Kim Thị Nhất và 4 đứa cháu nhỏ là những thành viên còn lại trong “làng” phải ở nhà vì toàn người ốm, yếu, không đủ sức khỏe để đốn mía như người ta. Chị Sa Man và chồng sống dựa vào “nghề” phơi dừa; 4 người con, trừ đứa út đang học lớp một, còn lại đi bán vé số. Bà Kim Thị Nhất thì hàng ngày đi hái lá dừa về phơi khô bán cho người ta làm chổi, mỗi ngày kiếm được khoảng 30.000, cũng đủ cho 5 bà cháu cơm cháo qua ngày. “Lần này, đúng là thất nghiệp thật rồi”, một đồng nghiệp đi cùng chúng tôi chép miệng. “Thất nghiệp thật”, là để đối với thất nghiệp giả, tức những người có ruộng vườn nhưng không chịu đi làm vì lười nhác và không có động lực lao động, như nhiều nông dân ở ĐBSCL hiện nay.
Bà Kim Thị Nhất nói, họ sống được ở đất này qua bao nhiêu năm nay là nhờ gia đình ông Hai Ngựa. “Họ tốt lắm”, bà nói: “Không chỉ cho mượn đất, ông bà Hai Ngựa còn bán thiếu thức ăn, mỗi nhà vài triệu. Thậm chí ốm đau không có tiền đi bệnh viện, ông bà còn cho mượn tiền”. Ở An Thạnh Ba, ngoài ông Hai Ngựa, còn có ông Út Khả có nhiều ruộng nên đang cho khoảng 20 hộ dân người Khmer sinh sống trên đất của mình để tiện mướn nhân công khi cần. Ở ĐBSCL, “người tốt” như các ông Hai Ngựa, Út Khả nhiều không đếm xuể; còn người lao động du mục thì hàng ngàn là con số ước tính.
“Một lối sống không lệ thuộc vào vật chất”
Ông Thạch Muni - Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc miền núi Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - là người Khmer đang giữ trọng trách tư vấn hoạch định chính sách về kinh tế, xã hội, văn hóa... cho đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL. Ông lý giải câu chuyện nghèo khó, không có việc làm dẫn đến phải lao động du mục của một bộ phận người dân theo hướng người đẻ ngày càng nhiều nhưng đất đai thì không “đẻ” thêm, thậm chí còn “chết” đi bởi các dự án thu hồi đất nông nghiệp rồi bỏ hoang cho cỏ mọc. Nên, việc dịch chuyển lao động từ địa phương này sang địa phương khác như chuyện đã kể ở Bến Lức là điều bình thường. Ông bảo thời gian qua, nhà nước có nhiều chính sách đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất… cho đồng bào Khmer và đã thu được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bất cập đến từ chủ quan và khách quan, cần sớm có chính sách khắc phục. “Lấy ví dụ, đào tạo nghề cho người không có ruộng. Do người dân trình độ hạn chế nên không thể vào học ở các trường nghề có mã ngành, mà chỉ học nghề tại chỗ như may, thêu, sửa xe gắn máy… và thường không hiệu quả do việc ít người đông, không có môi trường sử dụng nghề…”.
Rồi, nhiều chính sách rất tốt nhưng lại “xấu” về nguồn lực đầu tư, hay tắc trách ở một khâu nào đó trong hệ thống, nên chưa phát huy hiệu quả. Như các hộ dân ở đậu trong vườn ông Hai Ngựa ở An Thạnh Ba. Một số trong đó vừa được địa phương cấp đất làm nhà, sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng một số hộ khác lại không có gì cả bởi lý do rất đau lòng: Không có hộ khẩu tại địa phương dù họ được sinh ra, lớn lên ở đó! Trong khi, theo thừa nhận của ông Bùi Hồng Viện - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - thì “năm rồi, huyện Cù Lao Dung thừa đến 4 tỉ đồng trong chương trình hỗ trợ theo Quyết định 74, phải trả lại cho ngân sách”(!?). Chẳng lẽ mình không có cách gì để linh động giải quyết cho dân? Ông Viện trả lời: “Nếu linh động thì sẽ dẫn tới làm sai. Chúng tôi đã nhiều lần nói với xã động viên họ mang hộ khẩu từ Trà Vinh sang nhập vào địa phương thì chúng tôi mới có cơ sở giải quyết, nhưng dân họ không làm…”.
Trở lại với câu chuyện lao động “digan” và “nụ cười Phật tính”. Quan sát cuộc sống của người Khmer Nam Bộ, chúng tôi thấy cách suy nghĩ của đại đa số đều ảnh hưởng quan niệm về cuộc sống của Phật giáo nguyên thủy: Trong hoàn cảnh nào, đa phần người Khmer đều bằng lòng với hiện tại. Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Hữu Lam (Sóc Trăng) lý giải: Cuộc sống người Khmer coi trọng hiện tại ở tất cả các chiều kích và các mối quan hệ. Nếu phần lớn chúng ta thường lấy kinh tế và của cải để làm chuẩn, lấy việc hướng về tương lai làm mục đích, lấy quá khứ của dòng họ cá nhân làm nền tảng để xem xét thì với người Khmer, họ cày cấy, sản xuất hoa màu... với một quan niệm đủ sống. Đa phần người Khmer không có suy nghĩ tích lũy để làm giàu, không phải phí sức khỏe làm việc bằng mọi giá để có được của cải cho tương lai. Họ chỉ cần làm lụng để mỗi ngày có gạo để ăn, có áo đẹp để mặc, có tiền để mua thực phẩm ngon dâng cho sư sãi trong chùa, để dắt cả gia đình vui vẻ trong các lễ hội. Niềm hạnh phúc lớn nhất là được dư dả chút ít để đem toàn bộ khối của cải ấy cúng dường xây chùa, nơi tam bảo linh thiêng sẽ che chở cho phần đời miên miễn sau này.
Bởi quá khứ đối với người Khmer là một khái niệm cũng có tính vừa phải. Chết rồi là xong một kiếp người, là hoàn trả lại thiên nhiên, là đi về cõi khác, không còn bất cứ vương vấn gì với trần thế. Cho nên, ông bà tổ tiên không thể có anh linh để phù hộ trực tiếp con cháu theo kiểu dòng họ, gia đình như nhiều dân tộc khác. Ông bà đã đi về một cõi hoàn toàn tách biệt với thế gian. Vì không có tính dòng họ và không có tư tưởng cá nhân nên người Khmer không có ý định khuếch trương thanh thế của dòng họ mình. Dòng họ lớn nhất của họ, chính là họ hàng của đức Cồ đàm (Phật).
Nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Lam nhấn mạnh: Sống không lệ thuộc vào vật chất là một trong những lối suy nghĩ văn minh như đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Con người phung phí sức khỏe để tích lũy tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe. Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại cũng không sống cho tương lai. Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết... Nhưng rồi sẽ chết như chưa bao giờ đã từng sống…”.