Lặng lẽ đêm giao thừa

Năm nào cũng vậy, khi những nhành đào chúm chím khoe sắc dưới ánh nắng vàng trải dài khắp các triền núi cũng là lúc tiết xuân sắp về. Mọi người, mọi nhà ở khắp các miền quê náo nức sắm tết. Dù có khó khăn mấy thì ngày 30 tết cũng có “thịt treo trong nhà”, bàn thờ tổ tiên với mâm ngũ quả được thắp hương chu đáo. Mọi người quây quần bên nhau cùng đón giao thừa và chúc nhau những lời tốt đẹp nhất…Trong khi đó vẫn còn những người âm thầm, lặng lẽ làm việc. Họ sẵn sàng hy sinh niềm vui riêng để phục vụ mọi người vui tết, đón xuân.

Kiểm tra hồ sơ bệnh án tại Khoa Hồi sức cấp cứu - BVĐK số 1 Lào Cai.
Kiểm tra hồ sơ bệnh án tại Khoa Hồi sức cấp cứu - BVĐK số 1 Lào Cai.

“Mong thất nghiệp dịp tết”

Tối 30 tết năm ngoái, tôi rong ruổi trên đường ngắm nhìn đất trời đang chuyển mình vào xuân thì bất chợt nghe tiếng còi hú vang của chiếc xe cấp cứu ở phía sau. Tôi né sang bên nhường đường cho chiếc xe lao thẳng vào cổng Bệnh viện Ða khoa số 1. Trong màn đêm, bóng những chiếc áo blu thấp thoáng khiêng bệnh nhân vào Khoa Hồi sức cấp cứu. Bác sĩ - Trưởng khoa, chuyên khoa cấp 1 Vũ Anh Dũng cho biết: Ðây là ca cấp cứu tai nạn giao thông khá nặng, chúng tôi phải khẩn trương cấp cứu…

Mãi gần đây, theo lời giới thiệu của Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Khánh Thuận, tôi mới có dịp vào làm việc với Khoa Hồi sức cấp cứu. Mặc dù rất bận, nhưng bác sĩ Vũ Anh Dũng vẫn dành thời gian làm việc với chúng tôi. Anh giãi bày: Cả khoa có 26 bác sĩ, điều dưỡng viên, nhưng năm nào anh chị em cũng phải tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nặng do tai nạn giao thông, tai biến mạch máu não… Tất cả những bệnh nhân đang thở khò khè kia đều bị tai nạn giao thông! Bệnh viện chỉ bố trí 10 giường phục vụ người bệnh, nhưng thường xuyên quá tải. Ðội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên hầu như không có ngày nghỉ lễ, nghỉ tết…

Tôi giật mình khi đọc lướt qua hồ sơ bệnh án do bác sĩ Dũng đưa cho xem thì thấy: Chỉ trong 4 ngày nghỉ tết dương lịch năm 2013, khoa đã tiếp nhận 17 bệnh nhân nặng, chủ yếu là tai nạn giao thông do uống rượu say.

Nhiệm vụ chính của khoa là cấp cứu và hồi sức tích cực cho những bệnh nhân nặng được chuyển từ các khoa, phòng, các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên; thu dung những bệnh nhân nặng từ bên ngoài vào. Ðồng thời, chuyển những bệnh nhân quá nặng lên tuyến trên (chức năng 115). Ngoài ra, khoa còn thành lập tổ cấp cứu ngoại viện sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu, đặc biệt là phục vụ việc cứu hỏa hoạn, lũ quét, sập đất… Nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên có hoàn cảnh rất khó khăn, như chị Nguyễn Thị Thoa có con bị tim bẩm sinh; anh Giàng A Dín, dân tộc Mông, vợ con ở tận Tả Ngải Chồ (Mường Khương)… nhưng vẫn tích cực công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ðối với các bác sĩ trẻ trong khoa, như Lưu Xuân Ðăng, Hoàng Văn Châu (dân tộc Giáy) mặc dù còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nhưng luôn tìm cách học hỏi thêm bạn bè, đồng nghiệp và những bác sĩ có bề dày kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bác sĩ Nguyễn Khánh Thuận, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa số 1 khẳng định với tôi: Khoa Hồi sức cấp cứu là một trong những khoa có nhiều khó khăn, nhưng là khoa điển hình nhất trong toàn  Bệnh viện.

Trước khi chia tay, bác sĩ Vũ Anh Dũng nói vui: Tết này chúng tôi vẫn không được nghỉ! Tôi chỉ mong mọi người, mọi nhà đón tết thật vui, chấp hành nghiêm an toàn giao thông và… không phải vào Khoa Hồi sức cấp cứu, để trong dịp tết chúng tôi được… thất nghiệp!

“Muốn những tuyến phố luôn xanh, sạch”

Ðó là lời tâm sự của chị Lưu Thị Hải Yến, Tổ trưởng tổ 7, Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai. Chị Yến theo chồng lên Lào Cai từ đầu những ngày tái lập tỉnh và được tuyển dụng vào làm công nhân Công ty Môi trường - Ðô thị.

Chị Yến thu gom rác trên tuyến phố Lê Lai.
Chị Yến thu gom rác trên tuyến phố Lê Lai.

Những ngày đầu, chị ngại và có lúc chị thấy vất vả vì cái nghề quét rác trên đường. Ngày nào chị cũng bịt kín mặt, đội chiếc nón sụp xuống mỗi khi thấy người quen đi ngang qua. Mãi sau, chị thấy suy nghĩ của mình chưa đúng. Xã hội phân công mỗi người một việc, mình cứ làm tốt thì không có gì phải hổ thẹn…! Ðược chồng động viên, chị đã tìm thấy niềm vui trong công việc của mình. Những tuyến phố chị phụ trách lúc nào cũng sạch, được lãnh đạo công ty khen ngợi và mọi người trong tổ học tập, làm theo. Thế rồi chị được bổ nhiệm làm tổ trưởng, phụ trách 20 chị em và nhiều tuyến phố thuộc phường Kim Tân. Chị tham mưu cho lãnh đạo phân công mỗi người một tuyến phố (có người 2 tuyến) và luân phiên thay đổi để chị em quen biết tất cả các tuyến phố. Hằng ngày các chị thường phải dậy từ 4 giờ sáng và ra đường lúc 4 giờ 30 phút để làm vệ sinh các tuyến đường, làm xong lúc nào nghỉ lúc đó. Buổi chiều bắt đầu từ 16 giờ, thường thường sau 20 giờ mới được nghỉ. Có chị do sức yếu, trên các tuyến phố rác lại nhiều nên phải “hô” cả chồng, con ra hỗ trợ… Năm nào cũng vậy, tối 30 tết các chị thường phải làm đến 23 giờ, vì khối lượng rác thải ra quá nhiều, quảng trường thành phố lại bắn pháo hoa nên phải quét dọn xong mới được nghỉ. tết năm ngoái, chị Trần Thị Tố Uyên, nhà ở phường Bình Minh về đến nhà thì chồng con đã đón xong giao thừa! Chị Yến bộc bạch: Trưa 30 tết, em chuẩn bị đủ các thứ như gạo, thịt, rau, hoa quả, bánh kẹo… rồi đi làm. Chồng em chỉ việc nấu nướng, thắp hương chờ em về là đón giao thừa. Vậy mà anh ấy không một lời phàn nàn, không những thế còn cùng các con ra tận sân đón em vào xông nhà!.

Tổ trưởng Lưu Thị Hải Yến không chỉ làm tốt công tác quản lý mà chị còn thường xuyên quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh của từng chị em trong tổ để có biện pháp giúp đỡ. Với nguồn thu nhập trên dưới 3 triệu đồng, nhưng chị Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Hậu phải đi thuê nhà ở. Còn chị Lê Thị Thoa có chồng và con lâm bệnh qua đời, chị lo nghĩ nhiều nên mắc bệnh… Với những trường hợp như vậy, chị Yến không chỉ động viên chị em trong tổ có hoàn khá hơn hỗ trợ mà còn báo cáo lãnh đạo công ty, Ban chấp hành Công đoàn trợ cấp thường xuyên và đột xuất để chị bớt khó khăn, yên tâm công tác.

Thấu hiểu công việc vất vả của mẹ nên 2 con chị Yến ngoan ngoãn và rất chăm chỉ học hành. Hiện nay, cháu lớn đang công tác tại Bộ Công an; cháu gái út vừa tốt nghiệp Học viện Tài chính. Trong những ngày nghỉ hè và chờ việc, cháu thường xuyên ra mặt đường cùng mẹ quét rác. Có người hỏi: “Sao cháu lại đi quét rác?”, cháu trả lời gọn lỏn: “Mẹ cháu làm được, cháu là thanh niên sao lại không làm được? Quét rác cũng là vinh quang chứ sao!”…

Trước khi tạm biệt, chị Yến nói với tôi: Em không mong gì hơn là những tuyến phố luôn luôn sạch đẹp để nhân dân vui tết, đón xuân.

Giữ bình yên cho dân

Ðại úy Trần Phi Long, Phó đội trưởng Ðội CSHS Công an TP Lào Cai.
Ðại úy Trần Phi Long, Phó đội trưởng Ðội CSHS Công an TP Lào Cai.

Từ ngày trở thành cán bộ trinh sát hình sự, đại úy Trần Phi Long, Ðội phó Ðội cảnh sát hình sự Công an thành phố Lào Cai đã cùng đồng đội điều tra, triệt phá hàng trăm vụ án hình sự, khiến bọn tội phạm nhiều lúc phải kiềng mặt. Những chiến công của anh và các đồng đội đã góp phần giữ vững an ninh chính tri, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Trần Phi Long tâm sự: Làm cảnh sát hình sự vất vả và khó khăn, không có thời gian cụ thể. Những ngày lễ, ngày tết mọi người xum vầy bên nhau đón giao thừa hoặc thăm bạn bè, người thân, nhưng với chiến sĩ cảnh sát hình sự thì lại là thời gian vất vả nhất. Tết năm nào cũng vậy, 100% cán bộ, chiến sĩ phải trực, anh em đón giao thừa tại cơ quan, thậm chí trên đường công tác để giữ sự bình yên cho nhân dân vui tết, đón xuân. Nhiều vi phạm trật tự xã hội đã xảy ra trong dịp tết đều được các chiến sĩ cảnh sát nhắc nhở, xử lý…

Mặc dù cả 2 vợ chồng đều công tác trong ngành công an, nhưng mỗi khi Trần Phi Long lên đường làm nhiệm vụ, nhất là vào ban đêm thì vợ anh - chị Trịnh Thị Thu Hường lại thấp thỏm lo âu. Chị giật mình mỗi khi có tiếng chuông điện thoại… cho đến khi chồng về, chị mới thực sự yên tâm. Còn với Trần Phi Long thì anh thực sự vui khi mỗi vụ án được triệt phá thành công và day dứt khi có những vụ án đi vào bế tắc. Anh chỉ mong mọi người, mọi nhà đón tết, vui xuân thật đầm ấm, hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện mới ở trẻ tự kỷ

Phát hiện mới ở trẻ tự kỷ

Các nhà khoa học tại Đại học Geneva (UNIGE), Thụy Sỹ vừa công bố phát hiện quan trọng, làm sáng tỏ nguyên nhân phía sau những khó khăn trong tương tác xã hội ở trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Lào Cai chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ

Lào Cai chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ

Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 cũng là thời gian cao điểm khách du lịch đến các địa phương trong tỉnh, do đó ngành y tế Lào Cai và các doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ người dân và du khách. 

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Trong không khí tưng bừng của cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những hoạt động giáo dục lòng yêu nước tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi, tràn đầy cảm xúc. Các em học sinh từ mầm non đến trung học không chỉ được học về lịch sử mà còn được trải nghiệm những hoạt động thực tế, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngày lễ không nghỉ của những người thầy thuốc

Ngày lễ không nghỉ của những người thầy thuốc

Trong không khí hân hoan đón chào kỳ nghỉ Lễ 30/4 – 1/5, hàng triệu người lao động được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình thì ở nơi hành lang bệnh viện, ánh đèn vẫn sáng, tiếng chân rảo bước, tiếng băng ca đẩy hối hả, nhịp độ làm việc khẩn trương. Những “chiến sĩ áo trắng” miệt mài làm việc, túc trực ngày đêm để giành giật sự sống cho người bệnh.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người có công

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người có công

Thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc để thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình. Họ là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần kiên cường và ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam. Với lòng biết ơn sâu sắc, thời gian qua, hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người có công được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

fb yt zl tw