LCĐT - Cuối xuân, khi những cơn mưa phùn đã nhường chỗ cho những trận mưa rào nặng hạt, báo hiệu thời tiết chuyển sang mùa hạ cũng là lúc người Tày vào rừng săn trứng kiến. Vốn được coi là thứ lộc mà núi rừng tặng cho con người, trứng kiến được chế biến thành nhiều món ăn ngon, lạ miệng, trong đó không thể không kể đến món bánh trứng kiến.
![]() |
Nguyên liệu làm bánh trứng kiến hoàn toàn dân dã. |
Bánh trứng kiến được coi là một trong những món đặc sản của dân tộc Tày các tỉnh phía Tây và Đông Bắc. Đây là món bánh chỉ có thể chế biến vào một khoảng thời gian ngắn trong năm do mùa có thể lấy trứng kiến chỉ kéo dài khoảng 2 - 3 tuần. Theo kinh nghiệm của người Tày, khi những cây măng vầu đã cao cỡ đầu người, mùa lên rừng bẻ măng kết thúc chính là thời điểm mà các tổ kiến cho trứng. Loại kiến có thể lấy trứng là kiến đen, thường làm tổ bằng lá cây mục trên những ngọn vầu. Để lấy được trứng kiến, người dân thường chọn những ngày trời có nắng, bởi nếu săn trứng vào ngày mưa, kiến sẽ bu lại vào trứng và không thể tách trứng khỏi những con kiến đã trưởng thành. Sau khi chặt hạ cây vầu có tổ kiến, người săn trứng thường đặt phần tổ kiến vẫn bám trên cành cây lên một chiếc mẹt rồi dùng dao bổ đôi tổ kiến. Sau khi gõ cho trứng kiến rơi xuống mẹt, thợ săn trứng kiến sẽ đặt những lá vầu tươi lên trên để kiến bò theo lá rồi gạt kiến ra ngoài, tách phần trứng ra khỏi kiến. Đây là công đoạn khó khăn và đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn của người đi săn trứng kiến, bởi nếu công đoạn này kéo dài, những con kiến sẽ tha theo trứng bỏ đi hoặc kiến bị chết quá nhiều lẫn vào phần trứng thì món trứng sẽ không được ngon miệng. Vào mùa, một người thợ săn trứng kiến nhiều kinh nghiệm có thể thu hoạch được 5 - 6 kg trứng kiến mỗi ngày.

Trứng kiến phải chế biến khi tươi mới giữ được vị bùi, ngậy. Sau khi lấy về, trứng được rửa qua cho bớt sạn rồi chế biến thành các món ăn độc đáo như nem, trứng kiến xào lá kiệu, xôi trứng kiến… Nếu săn được lượng trứng đủ lớn, người Tày thường chế biến thành món bánh trứng kiến gói trong lá vả (hay còn gọi là ngõa) để anh em trong nhà, hàng xóm cùng thưởng thức. Món bánh trứng kiến gồm các nguyên liệu chính là bột gạo nếp, trứng kiến, thịt băm, cây kiệu và lá vả non. Mỗi 1 kg trứng kiến thường cần khoảng 2 - 3 kg bột gạo nếp. Để có bột bánh ngon, gạo nếp được ngâm qua đêm, vo sạch rồi để ráo mới đem nghiền thành bột. Trứng kiến được xào lẫn với thịt băm và kiệu thái nhỏ. Lá vả để gói bánh là loại lá đã lớn đủ kích thước nhưng mặt dưới vẫn ánh lên màu tím nhạt để đảm bảo bánh không bị chát nếu lá quá non cũng không bị xơ bởi lá đã già. Để gói bánh trứng kiến, lá vả rửa sạch, để ráo nước rồi dùng dao nhỏ cắt bớt gân lá. Bột nếp nhào mịn, chia thành từng phần nhỏ rồi gói nhân phía trong. Bột nếp đã có nhân được đặt lên mặt trong của lá vả, ấn cho bánh mỏng xuống rồi gói lại. Sau khi gói, bánh được cho lên chõ để hấp chín là có thể thưởng thức. Không như các loại bánh được gói bằng lá khác, bánh trứng kiến thường ăn cả lá vả gói phía ngoài. Vị của lá vả sẽ khiến món bánh không bị ngấy và tăng hương vị của phần nhân trứng kiến bên trong.
Toàn bộ nguyên liệu làm bánh đều có sẵn ở các khu rừng, cây cối gần những bản làng mà người dân sinh sống. Thế nhưng, đây lại là món ăn đặc sản khó tìm, chỉ có thể thưởng thức một mùa trong năm bởi loài kiến đen chỉ đẻ trứng rộ vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 hằng năm. Khi nắng mùa hạ đã bắt đầu gay gắt, toàn bộ trứng sẽ được nở nên không thể khai thác được. Bánh trứng kiến có vị dẻo, thơm mùi nếp và lá vả quyện với vị béo và ngậy của trứng kiến tạo ra một dư vị rất riêng khiến ai đã một lần thưởng thức thì không thể quên được. Nắng đã ấm dần, cây cối cũng đã vào mùa đơm hoa, kết trái, những tổ kiến đen trên cây cũng đã bắt đầu chắc trứng. Du khách đến với những bản làng của người Tày cũng sẽ có cơ hội được thưởng thức món bánh trứng kiến. Đây cũng là món bánh đặc sản, góp phần tạo nên tinh hoa ẩm thực của đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Tây và Đông Bắc, tạo nên những trải nghiệm thú vị cho những thực khách đam mê khám phá.