LCĐT - Sau khi tham quan chợ nổi Cái Răng, tôi lên đường khám phá làng nghề sản xuất hủ tiếu truyền thống tại phường An Bình, quận Ninh Kiều (Cần Thơ).
Địa điểm được tôi lựa chọn khám phá là Lò hủ tiếu - vườn sinh thái Sáu Hoài. Ở Cần Thơ, ngoài bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, thì làng nghề sản xuất hủ tiếu truyền thống là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm, bởi nơi đây sản xuất ra món ăn mang đậm chất Nam bộ. Nếu như nhắc đến Hà Nội, người ta nhớ đến món phở, thì khi ghé thăm Nam bộ, không thể không thưởng thức hủ tiếu.
Khác với tưởng tượng về vẻ yên bình của các miền quê, mới đến đầu làng nghề, chúng tôi đã gặp nhiều đoàn khách. Họ rôm rả nói chuyện về những cảm nhận sau khi tham quan làng nghề. Điều này càng làm cho tôi tò mò với điểm đến chuẩn bị khám phá. Con đường dẫn vào làng nghề rất nhỏ nên chúng tôi để xe ở đầu đường và đi bộ vào. Cảm nhận đầu tiên của tôi về nơi đây là khung cảnh nên thơ với một bên là nhà san sát, một bên là con rạch trong mát dưới rặng dừa tỏa bóng, từng chiếc xuồng chở khách nối đuôi nhau. Có khá nhiều du khách lựa chọn cách đi xuồng để tham quan làng nghề vì theo họ, như vậy mới cảm nhận được hết sự thú vị của miền Tây Nam bộ. Một điều khiến tôi rất thích ở miền Nam đó là dù trời rất nắng, nhưng lại không nóng gắt, bởi gió từ các con kênh, rạch đã giúp xua tan sự oi bức. Có lẽ chính vì vậy, dù đi bộ một đoạn đường khá dài, nhưng cả đoàn không ai cảm thấy mệt.
![]() |
Sản xuất bánh tráng tại Lò hủ tiếu - vườn sinh thái Sáu Hoài. |
Mới đến cổng của Lò hủ tiếu - vườn sinh thái Sáu Hoài, chúng tôi đã thấy mùi thơm hấp dẫn của món pizza hủ tiếu đặc trưng. Theo chị hướng dẫn viên, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, nhiều hộ dân trong phường đã cùng thành lập điểm du lịch sinh thái với dịch vụ khép kín: Tham quan, ăn uống, vận chuyển khách bằng thuyền… Bước vào bên trong, hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là rất đông du khách đang vui vẻ ngồi dưới bóng mát của cây xanh thưởng thức món pizza hủ tiếu vừa ra lò thơm phức. Điều đặc biệt là bạn có thể thưởng thức thử món bánh này mà không phải trả tiền, nếu hợp khẩu vị thì mua về làm quà. Cách chế biến món ăn này cũng rất cầu kỳ. Hủ tiếu sau khi được chiên giòn qua dầu (làm đế pizza), vớt ra để ráo, rắc chút rau thơm thái nhỏ, thêm chút lạc rang, giá đỗ, trứng ốp la, tương ớt… Gia vị ăn kèm của món này là thịt được khìa lên (thịt lợn được ướp gia vị đun với nước mắm, nước cốt dừa đến khi có màu vàng đậm), sau khi nước còn sệt sệt, miếng thịt được vớt ra, thái vừa ăn và cho vào đảo lại với nước cốt và dùng với pizza hủ tiếu.
Sau khi thưởng thức món bánh béo ngậy, chúng tôi di chuyển vào khu làm bánh tráng. Theo quan sát của tôi, xưởng làm bánh tráng khá rộng, được chia ra thành từng khu vực: Bếp tráng, nơi hòa bộn, khu phơi bánh. Dù chiếc bánh rất rộng, mỏng, nhưng với sự khéo léo của người thợ, chiếc bánh vẫn giữ nguyên hình dáng sau khi được lấy ra khỏi màng hấp. Nguyên liệu chính để làm nên chiếc bánh tráng đó là bột gạo và bột sắn dây, nên bánh có màu trắng đục. Sau khi được vớt ra khỏi màng hấp, người thợ sẽ trải bánh trên các phên được đan mắt cáo để phơi. Từ nguyên liệu bánh tráng này, người dân Nam bộ đã chế biến ra rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như: Pizza hủ tiếu, bánh tráng trộn, bánh tráng nướng và một số món hủ tiếu nức tiếng đặc trưng của vùng đất Cửu Long.
Một ngày khám phá làng nghề làm hủ tiếu truyền thống của vùng đất Tây Đô đã đem lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Trong dòng chảy hối hả của nền kinh tế thị trường, rất nhiều loại bánh tráng được sản xuất công nghiệp, thì những người thợ của làng nghề tại phường An Bình đã góp phần không nhỏ trong việc níu giữ nét xưa…