Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1598/QĐ-TTg (ngày 26-10-2012) phê duyệt Dự án "Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam giai đoạn II" (2013-2017).
Tới đây sẽ tiếp tục có thêm 1.500 tác phẩm, công trình thuộc tài sản văn hóa văn nghệ dân gian (VNDG) các dân tộc Việt Nam được công bố, phổ biến bằng ngân sách nhà nước. Dịp này, Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo dự án quanh công việc ý nghĩa này.
- Thưa GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1598/QĐ-TTg (ngày 26-10-2012) phê duyệt Dự án “Công bố, phổ biến tài sản văn hóa VNDG các dân tộc Việt Nam giai đoạn II” (2013-2017). Sự kiện trên có gợi nhắc lại cho ông về câu chuyện ra đời dự án này để hàng nghìn tác phẩm, công trình VNDG từ trong kho lưu trữ được công bố, phổ biến?
- Vâng! một lần vào quãng năm 2007, báo chí phỏng vấn tôi, hiện nay (2007) tôi có gì lo lắng không? Tôi bảo: “Có! Điều lo lắng nhất của tôi là về số phận của gần 5.000 công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam. Số công trình này là kết quả lao động miệt mài và âm thầm trong hơn 20 năm của hơn 1.200 hội viên Hội VNDG Việt Nam”. Đã ròng rã hàng chục năm trời tôi mang dự án đến hàng chục cơ quan hữu quan để xin kinh phí xuất bản khối tư liệu quý báu này, nhưng đều gặp những cái lắc đầu. Cho nên, lúc đó tôi đã nói: “Không khéo tôi phải chuyển ngành, mở trang trại nuôi gián, để tiêu thụ hết đống giấy của 5.000 bản thảo công trình, còn hơn để mục ra”.
Tôi không rõ, bằng cách nào đồng chí Trương Tấn Sang lúc đó (năm 2008) đảm trách nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư biết được về tình trạng của 5.000 công trình. Đồng chí cho mời tôi lên báo cáo. Tôi báo cáo đầy đủ thực trạng của khối tài sản này và cũng không giấu giếm sự lo lắng về số phận của nó. Cuối buổi gặp, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu tôi làm dự thảo đề án “Công bố phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”. Sau một tuần tôi nộp dự thảo dự án và sau một tuần tiếp theo tôi được thông báo là Ban Bí thư đã duyệt, đồng chí Trương Tấn Sang đã ký quyết định và chuyển cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và cũng chỉ trong vòng ít ngày Thủ tướng cũng ký duyệt. Lúc đó là cuối năm 2008. Sau khi dự án được các bộ, ban, ngành hữu quan thẩm định, tháng 8-2009 Ban Chỉ đạo dự án nhận được món kinh phí đầu tiên. Tôi được biết trong quá trình thẩm định, dự án nhận được sự ủng hộ cao của các cơ quan hữu quan. Còn, anh chị em hội viên Hội VNDG Việt Nam và tôi, khỏi nói cũng biết rằng chúng tôi vui mừng thế nào.
- Một cách khái quát nhất, ông có thể giúp bạn đọc có dịp nhìn lại toàn bộ tầm vóc, ý nghĩa của dự án này?
- Có thể nói, 5.000 công trình là một phần trong những sáng tạo văn hóa phi vật thể của ông cha ta trong lịch sử nhiều ngàn năm và là công sức sưu tầm nghiên cứu của hơn 1.200 hội viên trong suốt hơn 20 năm trời. Về mặt nội dung, có thể coi đây là một “Bách khoa văn hóa dân tộc”, nó phản ánh những lĩnh vực chủ yếu của nền văn hóa cổ truyền của 54 dân tộc Việt Nam như tri thức sản xuất nông nghiệp và nghề thủ công truyền thống; các phong tục tập quán; các ứng xử xã hội qua các hội làng, các hương ước, cưới xin, tang ma, làm nhà, dựng làng; các tín ngưỡng thể hiện vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan; rồi các kho tàng sáng tạo văn học, nghệ thuật như ca, múa, nhạc, trang trí , tranh Tết, tranh thờ v v... Bảo tồn bằng phương thức văn bản hóa, thông qua xuất bản là cách giữ gìn bền vững cho hôm nay và cho nhiều thế hệ mai sau.
- Giai đoạn II của dự án đã được phê duyệt, nghĩa là lại bắt đầu một chặng mới của công việc quan trọng này. Ông có thể chia sẻ đôi điều suy nghĩ trong thời điểm bắt đầu chặng tới của dự án?
- Dự án kết thúc giai đoạn I vào cuối tháng 6 năm nay (2012), đúng tiến độ và đạt chỉ tiêu xuất bản 1.000 công trình như kế hoạch đề ra. Đạt được kết quả như vậy là sự cố gắng vượt bậc và không mệt mỏi của cả ban chỉ đạo cùng toàn thể anh chị em trong văn phòng dự án. Ngoài ra, phải kể đến sự giúp đỡ rất tận tình của các bộ, ban, ngành và của cán bộ các nhà xuất bản. Nhờ vậy, từ chỗ không hiểu biết nhiều về quy trình xuất bản, nay chúng tôi đã có một đội ngũ cán bộ khả dĩ có thể đảm đương được nhiệm vụ của dự án. Với những “tay nghề” được rèn luyện trong giai đoạn I, chúng tôi tin tưởng rằng giai đoạn II tốt hơn.
- Xin chân thành cảm ơn GS.TSKH Tô Ngọc Thanh!