Giá xăng dầu trong nước
Do giá dầu thô thế giới giảm khoảng 5%, xuống mức thấp nhất trong 5 tuần qua nên các doanh nghiệp đầu mối dự báo giá xăng dầu trong nước có thể giảm theo trong kỳ điều hành hôm nay (4/5).
“Theo đà giảm của dầu thô trên thế giới, nhiều khả năng giá xăng dầu hôm nay có thể giảm khoảng từ 800 –1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá xăng dầu còn phụ thuộc vào việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác, nếu có”, đại diện một doanh nghiệp đầu mối nhận định.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 21/4 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, so với kỳ điều hành trước đó, giá xăng RON95 giảm 610 đồng/lít, giá bán là 23.630 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 490 đồng/lít, giá bán là 22.680 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu có loại giảm, có loại tăng. Cụ thể, dầu diesel là 19.390 đồng một lít, giảm 750 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 19.480 đồng, giảm 250 đồng, dầu mazut tăng 650 đồng, có giá mới là 15.840 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập 300 đồng mỗi lít với xăng E5, RON 95, dầu DO và dầu hỏa. Riêng dầu mazut không trích lập cũng không chi sử dụng.
Giá xăng được dự báo tiếp tục giảm mạnh.
Do kỳ điều chỉnh giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương rơi vào ngày nghỉ lễ 1/5, nên giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh vào hôm nay 4/5 khi kỳ nghỉ lễ kết thúc.
Giá dầu thế giới
Lúc 6h30 ngày 4/5, giá dầu WTI giao dịch ở mức 68,6 USD/thùng, giảm 3,06 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 72,33 USD/thùng, giảm 2,99 USD/thùng.
Giá dầu tiếp đà suy giảm do các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Australia đã bất ngờ khi tăng lãi suất vào ngày 2/5 và cảnh báo có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát cao.
Việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Bên cạnh đó, hàng loạt rủi ro vĩ mô đang rình rập nền kinh tế Mỹ, nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, cũng khiến giá dầu lao dốc.
Giá dầu và các chỉ số chính của Phố Wall đều giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ Mỹ có thể hết tiền trong vòng một tháng tới. Điều này làm gia tăng rủi ro vỡ nợ của Mỹ, khiến các nhà đầu tư rút khỏi những thị trường rủi ro và thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu thô.
Trong tháng 3 vừa qua, cơ hội việc làm của Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp và tỷ lệ sa thải tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm. Việc này cho thấy sự suy yếu trong thị trường lao động của Mỹ.
Cùng với đó, dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố vào ngày 27/4 cho thấy mức chi tiêu cho hàng hóa của nước này giảm nhiều hơn dự kiến.