Sau khi có thông tin về đề xuất coi COVID-19 là bệnh thông thường, Bộ Y tế đã khẳng định, thời điểm hiện tại chưa phải là lúc đề xuất này được chấp nhận.
WHO vẫn coi COVID-19 là đại dịch và quan ngại về khả năng tiếp tục có thêm các biến chủng mới của virus SARS-CoV2. Tại Việt Nam, dù có ý kiến đề xuất coi COVID-19 là bệnh thông thường nhưng theo nhiều chuyên gia y tế, chỉ nên xem đề xuất này là những bước chuẩn bị cho tương lai.
(Ảnh minh họa) |
Sau khi có thông tin về đề xuất coi COVID-19 là bệnh thông thường, Bộ Y tế đã khẳng định, thời điểm hiện tại chưa phải là lúc đề xuất này được chấp nhận. Vì hiện nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 là đại dịch. Nguy cơ virus SARS-CoV2 có thêm những biến chủng mới là hoàn toàn có thể xảy ra. Tại nước ta dịch mới chỉ đang có những dấu hiệu chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn dịch lưu hành, nên chưa thể coi COVID-19 là bệnh thông thường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, chuyên gia của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch phân tích: “Chúng ta đã tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao. Số người nhiễm tăng nhưng triệu chứng nhẹ. Chủng Omicron đang tăng và thay thế chủng Delta. Số mắc tăng cao nhưng tỷ lệ bệnh nhân nặng giảm hơn trước. Chúng ta không thể cản được sự lây nhiễm mà chỉ kiểm soát tốc độ lây chậm lại, chấp nhận có lúc số mắc cao nhưng không để chuyển nặng, không quá tải hệ thống y tế, giảm tử vong. Chúng ta nới lỏng chứ không buông xuôi, thả lỏng, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro. Chưa thể coi là bệnh thông thường vì dịch vẫn diễn biến bất thường, biến chủng, chưa kiểm soát được số mắc ổn định, hệ thống y tế nguy cơ vẫn quá tải… Tất nhiên rồi nó cũng là bệnh lưu hành trong một thời gian nữa”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác theo dõi sát diễn biến tình hình dịch COVID-19. Trong đó cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 nếu có. Từ đó có thể tham mưu với Chính phủ quyết định coi bệnh COVID-19 là bệnh thông thường vào một thời điểm thích hợp.
“Dự báo rất khó, nhưng khi trên thế giới việc tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao, có thuốc điều trị và virus duy trì chủng nhẹ hơn thì có thể 6 tháng cuối năm tình hình sẽ khá lên. Tất nhiên không phải ngay trong chốc lát bệnh nhẹ ngay mà phải dần dần. Cũng như vậy, các biện pháp phòng chống không thể buông xuôi thả lỏng ngay mà phải từ từ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết thêm.