Sởi là bệnh truyền nhiễm, lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tại thị xã Sa Pa, đến hết ngày 19/11, đã ghi nhận 20 trường hợp mắc sởi tại 4/16 xã, phường. Các ca bệnh đều mới mắc trong tháng 11/2024, chủ yếu là trẻ sinh năm 2021 và đa số ở các trẻ chưa được tiêm chủng.
Để chủ động phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh sởi nói riêng; tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường sống, đặc biệt vùng có ca bệnh. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn phối hợp với ngành y tế triển khai đầy đủ các hoạt động đáp ứng khi có ca nghi bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đồng thời, đảm bảo hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; đảm bảo vắc xin khi công bố dịch sởi; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND thị xã Sa Pa kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Xây dựng kế hoạch, đảm bảo đủ nhân lực, vật lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, kinh phí đáp ứng phòng, chống dịch; thành lập đoàn kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã đang có trường hợp mắc sởi. Rà soát nhóm trẻ tại khu vực nguy cơ cao, khu vực đang mắc bệnh, ưu tiên tiêm đáp ứng vắc-xin phòng bệnh sởi, tổ chức tiêm ngay không đợi kỳ tiêm chủng thường xuyên.
Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, trẻ em), hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh sởi và các hoạt động phòng, chống dịch.
Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh; giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý kịp thời, khống chế không để bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Chỉ đạo, kiểm tra các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng hằng tháng, trong đó có vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi; vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Rà soát tiêm vét, tiêm bổ sung cho các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc-xin sởi, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn, đặc biệt lưu ý đến vùng lõm tiêm chủng.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực... tổ chức việc phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành y tế; phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh sởi trong trường học; thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của tiêm vắc-xin phòng bệnh, vận động gia đình cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng vắc-xin phòng bệnh sởi. Thực hiện việc theo dõi sức khỏe trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, điều trị, không để bệnh lây lan thành dịch trong trường học, cộng đồng.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh sởi; lợi ích của tiêm phòng vắc-xin nói chung và vắc-xin sởi nói riêng.